Sáng nay (23/04) tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp cùng Hội Truyền thông số Việt Nam, CLB Doanh nhân Sáng tạo, Đại học Bách Khoa Hà Nội và Đại học Ngoại thương Hà Nội tổ chức chương trình “Ngày sở hữu trí tuệ Thế giới 2016 tại Việt Nam” với chủ đề chính là "Ai cũng có thể trở thành IP Man".
Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: "Khoa học và công nghệ, đổi mới và sáng tạo là đòn bẩy cho công cuộc tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Mức độ cạnh tranh ngày càng tăng trên thế giới đòi hỏi đầu tư lâu dài và thỏa đáng vào việc phát triển năng lực công nghệ tiên tiến và hoạt động nghiên cứu triển khai.
Sở hữu trí tuệ là công cụ vô cùng hữu hiệu nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo. Thành quả sáng tạo cần được đãi ngộ công bằng và xứng đáng thông qua các thế chế chặt chẽ và phù hợp. Có như vậy, các nhà sáng tạo mới có động lực và lòng tin đầu tư công sức và tiền bạc cho hoạt động nghiên cứu, tạo ra các kết quả sáng tạo, ứng dụng chúng, và từ đó, mang lại lợi ích cho chính họ và xã hội. Vì vậy, muốn phát triển thị trường công nghệ, đổi mới sáng tạo có rất nhiều yếu tố. Trong đó, vai trò của việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ để xây dựng và phát triển khối tài sản vô hình của doanh nghiệp là cực kỳ cần thiết và có vai trò then chốt trong bối cảnh thị trường có tính cạnh tranh ngày càng cao như hiện nay".
Trong năm 2015, có 50.975 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 10% so với năm 2014). Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã chấp nhận bảo hộ cho 25.621 đối tượng sở hữu công nghiệp. Cụ thể, trong số 50.975 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp có 5.033 đơn sáng chế; 450 đơn giải pháp hữu ích; 2445 đơn kiểu dáng công nghiệp; 37.283 đơn nhãn hiệu; 7 đơn chỉ dẫn địa lý; 9 đơn đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; 5627 đơn nhãn hiệu đăng ký quốc tế chỉ định Việt Nam; 121 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam (16 đơn sáng chế, 105 đơn nhãn hiệu).
Đã có hơn 1.000 người đến tham dự IP Day sáng nay tại ĐH Bách khoa HN.
Trong khi đó, đại diện Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới nhận định: "Sở hữu trí tuệ đóng vai trò then chốt trong sự thành công và bền vững của sáng tạo số. Nhu cầu một môi trường số đầy đủ và hiệu quả sẽ hỗ trợ các hoạt động chủ chốt của quản lý sở hữu trí tuệ và đảm bảo cho lĩnh vực sở hữu trí tuệ tiến xa hơn. Với ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay, chúng ta đang khám phá một số vấn đề xoay quanh tương lai văn hóa của chúng ta. Tôi tin rằng Việt Nam có thể hiểu hơn nhiều điều gì sẽ đến trong thế giới số mới, đặc biệt khu vực tư nhân và cộng đồng các nhà nghiên cứu".
Mục tiêu chính của chương trình “Ngày sở hữu trí tuệ Thế giới 2016 tại Việt Nam” là góp phần nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ của cộng đồng, xã hội, đồng thời tạo động lực cho sự sáng tạo của các cá nhân và tổ chức, khơi dậy tiềm năng chất xám trong xã hội, thông qua đó thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ, nghiên cứu ứng dụng, xa hơn là sự hình thành và phát triển của nền công nghiệp, nền kinh tế sáng tạo cho Việt Nam.