Năm 2017: Năm bản lề xây dựng Chính phủ điện tử của Hà Nội

VietTimes -- Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 sẽ được triển khai có hiệu quả; ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước; đồng thời, các văn bản hành chính từ cấp quận huyện, cấp phòng của Hà Nội sẽ được xử lý qua hệ thống CNTT mà không in tài liệu từ ngày 1/3 tới.
Theo Nghị quyết 36A, phấn đấu đến hết năm 2016 các bộ, ngành Trung ương có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Theo Nghị quyết 36A, phấn đấu đến hết năm 2016 các bộ, ngành Trung ương có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

Đó là những yêu cầu cơ bản được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung để thúc đẩy Hà Nội có những bước chuyển biến mạnh mẽ nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược: Năm 2017 là năm bản lề xây dựng Chính phủ điện tử. Các yêu cầu này được nêu ra tại Hội nghị Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động cơ quan Nhà nước TP. Hà Nộo vừa diễn ra chiều 3/2. 

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ của Hà Nội, báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội cho thấy, đến cuối năm 2016, tỷ lệ hồ sơ được nộp trực tuyến qua mạng trên toàn Thành phố đạt trên 70%. Thành phố đã triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 ở lĩnh vực tư pháp đến tất cả 584 xã, phường. Đồng thời đang tiếp tục triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 theo danh mục của UBND Thành phố.

Đối với việc ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực, từ tháng 9/2016 đến nay, đã thực hiện đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư qua mạng đạt trung bình trên 50%. Lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo cũng đã được triển khai tích cực với phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2016-2017 tại 2.620 trường học với hơn 250.000 gia đình học sinh tham gia, tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến qua mạng đạt 84,87% đối với mầm non, trên 51% đối với tuyển sinh lớp 1, trên 58% tuyển sinh lớp 6. Hệ thống sổ điểm điện tử cũng đã được triển khai tại 808/860 đơn vị với trên 540,6 nghìn học sinh...

Đối với lĩnh vực Giao thông vận tải, hiện đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục để triển khai các hạng mục cải tạo, nâng cấp hệ thống điểu khiển đèn tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi Thành phố Hà Nội-Giai đoạn 2; hạng mục Bổ sung trang thiết bị và cơ sở dữ liệu nâng cao hiệu quả hệ thống giám sát hành trình GPS, tăng cường năng lực kiểm tra, giám sát hoạt động xe buýt trên địa bàn Thành phố Hà Nội; triển khai đề án nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội giai đoạn 2016-2010 định hướng đến năm 2025; dự án bãi đỗ xe thông minh; thí điểm hệ thống giao thông thông minh.

Đối với triển khai Giám định Bảo hiểm y tế, hiện Bảo hiểm xã hội Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị trang bị máy tính và lắp đường truyền cho 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT công lập; chuẩn hóa danh mục dùng chung thuốc vật tư y tế được Bộ Y tế quy định; thực hiện kết nối trao đổi thông tin qua Cổng dữ liệu y tế... Sau 3 tháng triển khai đã có 559/711 đơn vị tham gia vào hệ thống với trên 1,2 triệu hồ sơ giám định được gửi qua hệ thống....

Ngoài ra, một số nội dung ứng dụng CNTT cũng được đẩy mạnh trong một số ngành, lĩnh vực để phục vụ công dân, doanh nghiệp đang được tiến hành như xây dựng các biểu mẫu phục khảo sát, thống kê phục vụ việc nhập dữ liệu các hộ kinh doanh cá thể; khảo sát và chuẩn bị các điều kiện để tổ chức ứng dụng CNTT trong việc khám chữa bệnh và quản lý dược; phần mềm quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo hiện đã triển khai thí đểm tại 5 đơn vị...

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, năm 2017 là năm bản lề, cốt lõi để thực hiện các nội dung xây dựng Chính phủ điện tử của Thành phố.

Theo đó, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung quán triệt, các địa phương, đơn vị phải xác định việc triển khai các nội dung về chương trình CNTT năm 2017 theo lộ trình và kế hoạch mà UBND TP đã ban hành; phải coi đây là một trong những việc trọng tâm hàng đầu trong công cuộc cải cách hành chính của thành phố, vì đây là công cụ hữu hiệu nhất để cải cách hành chính, là khâu đột phá và hình thành cơ bản bộ khung của Chính phủ điện tử.

Đồng thời, các sở, ngành, địa phương cần tập trung triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đến người dân một cách có hiệu quả; phải ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

“Toàn bộ công tác xử lý văn bản hành chính từ cấp quận huyện, cấp phòng của Thành phố bắt đầu từ ngày 1/3 phải xử lý qua hệ thống CNTT, không in tài liệu (trừ những tài liệu mật)”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định.

Hiện Thành phố đã và đang tập trung số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu, tài liệu để tích hợp vào hệ thống dữ liệu, bao gồm dữ liệu dân cư (đã triển khai); dữ liệu đất đai; dữ liệu về hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp; dữ liệu về cán bộ công chức; dữ liệu về toàn bộ dịch vụ quản lý sức khỏe của người dân; dữ liệu các dự án; dữ liệu quy hoạch…

Theo Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử, nhiệm vụ xây dựng hệ thống thông tin điện tử thông suốt, kết nối liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử Chính phủ đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến; xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ duy nhất trên Internet là những nội dung trọng yếu.