Theo báo cáo mới nhất của GFK cho nửa đầu 2017, doanh số PC (laptop và desktop) bán lẻ tại thị trường Việt Nam đạt hơn 352.000 chiếc, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó laptop giảm 15,7% và desktop giảm 19,1%. Mức này thấp hơn mức giảm của năm 2016 so với cùng kỳ 2015 chỉ khoảng 1,9%. Hà Nội và TP HCM vẫn chiếm tới 70% tổng thị trường.
Tuy số lượng giảm mạnh, nhưng về mặt giá trị, thị trường chỉ giảm 6,6% đạt 4.168 tỷ đồng, bằng khoảng 46% so với mức giảm của 2016 tham chiếu với năm trước đó. Như vậy có thể thấy giá trị trung bình của một chiếc máy tính được bán ra đang có chiều hướng tăng.
Một trong những lý do khiến giá trị trung bình của một chiếc máy tính tăng là sự tăng trưởng đột biến của Apple. Nửa đầu 2016, Apple chỉ chiếm khoảng 4,3% thị phần laptop nhưng đến hết nửa đầu 2017, hãng này đã đưa con số lên tới 10,6% và trở thành hãng duy nhất tăng trưởng về cả số lượng lẫn giá trị tại thị trường Việt Nam. Riêng về số lượng tăng 90%.
Con số ấn tượng này cũng đưa Apple từ vị trí thứ 6 lên vị trí thứ 4 tại Việt Nam cả về số lượng và giá trị.
Theo giới buôn "Táo", MacBook đi qua đường tiểu ngạch không chính thống vẫn đang chiếm đa số lượng bán ra trên thị trường. Bên cạnh đó, giá máy cũng thấp hơn trước đây khiến nhiều người có đủ khả năng để sở hữu hơn, trong khi chính sách bảo hành toàn cầu cũng giúp họ không còn quá lo lắng.
Thêm một lý do khiến giá trung bình của PC tăng là giá linh kiện tăng. Thị trường máy tính toàn cầu chứng kiến quý thứ 11 liên tiếp sụt giảm khiến nhiều nhà sản xuất linh kiện và lắp ráp tại Trung Quốc dần mất lòng tin và có những chính sách tập trung hơn vào các mảng khác như smartphone, smarthouse. Chưa kể đến đầu năm 2016, chính quyền Bắc Kinh đã ra những điều luật rất khắt khe để cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường của nước này, kiên quyết đóng cửa những nhà máy vi phạm dẫn đến số lượng các đơn vị sản xuất linh kiện có phần ít đi khiến giá linh kiện tăng theo, ảnh hướng tới giá bán chung của PC cả thế giới.
Thị phần các hãng trên thị trường máy tính Việt Nam nửa đầu năm 2017. |
Mặc dù trong khu vực Asian, Dell không chiếm thị phần cao nhưng ở Việt Nam, Dell vẫn đang dẫn đầu thị trường máy tính nói chung với 29,4%, trong đó riêng laptop là 32,8%. Đây là vị trí Dell vẫn đang nắm giữ nhiều năm nay. Với thế mạnh là thương hiệu Mỹ và có chính sách xây dựng kênh phân phối khá ổn định, Dell hiện cũng là hãng đứng đầu cả thị trường về desktop và màn hình máy tính.
Theo sau Dell là Asus với 18,4% thị phần. Asus là một trong những hãng giảm mạnh nhất so với cùng kỳ 2016, khi đó Asus nắm giữ tới 22,4% thị phần, hiện đã giảm 30% về số lượng và đạt gần 65.000 đơn vị bán ra cho nửa đầu 2017.
Theo thứ tự, HP đang đứng thứ 3 với 12,8% thị phần, trong đó, laptop là 16,5% với 5 tháng tăng trưởng liên tiếp, còn desktop đang đứng thứ 2 chỉ sau Dell với gần 9%. Cũng với lợi thế là một thương hiệu Mỹ cùng nền tảng được xây dựng từ rất lâu trước cả khi Steve Jobs thành lập Apple, HP vẫn là một hãng sản xuất PC lớn nhất hiện nay. HP cũng từng đứng đầu tại thị trường Việt Nam những năm 2007-2009, cho đến khi gặp sự cố hàng loạt về màn hình trên dòng Compaq CQ40 cuối 2009 khiến HP bị mất điểm không phanh và phải mất rất nhiều nỗ lực để có được vị trí hiện tại.
Đứng ở vị trị thứ 5 sau Apple là Lenovo với 7% thị phần tổng PC, đây cũng là hãng có mức giảm mạnh nhất tới 33% về số lượng so với cùng kỳ 2016. Tuy vậy, Lenovo vẫn là hãng máy tính lớn nhất thế giới hiện nay về doanh số PC và tablet, với 10 quý tăng trưởng liên tiếp. Lý do khiến Lenovo giảm mạnh là do sự thay đổi của hãng về chiến lược kinh doanh theo đó hướng tới cắt giảm các dòng sản phẩm tầm thấp để tập trung hơn vào các dòng trung và cao cấp với thiết kế đẹp hơn, nhẹ hơn và pin lâu hơn. Ngoài ra, Lenovo cũng gặp phải những khó khăn nhất định khi là hãng PC duy nhất tại thị trường được định hình là có "gốc" Trung Quốc mặc dù đang sở hữu nhiều nền tảng từ việc mua lại IBM năm 2005.
Việt Nam với tổng nhu cầu hàng năm khoảng 1,9 triệu chiếc PC, thị trường desktop lắp ráp nội địa (được giới trong nghề gọi là White-box) hiện vẫn chiếm một con số khá lớn tới 18,2% thị phần bán lẻ. Các thương hiệu như FPT eLead, CMC, Tiger, Việt Hải, PV... với lợi thế là hàng Việt Nam cùng chính sách bảo hành tới 3 năm cho toàn bộ linh kiện cùng giá cả cạnh tranh và một hành lang pháp lý đã được chính phủ bảo hộ nên vẫn có chỗ đứng khá vững chắc vì thế mức giảm hàng năm cũng thấp hơn, chỉ ở ngưỡng khoảng hơn 10%.