Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết cho biết, Thành phố hiện có 11 công trình trọng điểm, từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành 5 dự án, 6 dự án còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2017. Với 40 dự án mới, trong tháng 10 tới đây sẽ khởi công 11 dự án, 29 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện phấn đấu năm 2017 sẽ khởi công 10 dự án, số còn lại để sang năm 2018 thực hiện.
Về vấn đề này, ông Hoàng Trung Hải nhận định, thành phố Hà Nội đang chịu sức ép rất lớn về hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị. Mặc dù có 51 dự án trọng điểm thời gian tới vẫn chưa trả lời được những thách thức này mà còn phải làm hơn nữa. Các dự án phải có cơ chế đặc biệt, đặc thù để đẩy nhanh hơn. Về lâu dài, cũng phải tính đến vận động người dân đồng thuận để hạn chế phương tiện cá nhân, kể cả ô tô.
Như trường hợp tắc đường tới 2 tiếng tại khu vực cầu Tó vừa qua, ông Hoàng Trung Hải cho biết, Thành phố sẽ có giải pháp cấp bách cho khu vực cầu này. “Nếu không quyết liệt, không có giải pháp ngay thì có thể còn ùn tắc tới 3 tiếng tại đây.” - ông Hải nói.
Giải pháp tháo gỡ chính cho vấn đề hạ tầng giao thông chính là đường sắt đô thị và tàu điện ngầm. Theo quy hoạch thì Hà Nội có 8 dự án với 8 tuyến đường sắt đô thị. Hiện nay mới triển khai 2 dự án nhưng tới năm 2017 mới có thể đưa vào sử dụng. Nhưng ngay cả khi triển khai xong cả 8 tuyến đường sắt đô thị, đầu tư tới 20 tỉ USD cho 8 dự án này thì cũng chưa đủ đáp ứng cho 10 triệu dân.
Theo ông Hoàng Trung Hải, vấn đề cần quan tâm nữa là phải bàn tới các giải pháp về hạn chế xe cá nhân; giải phóng mặt bằng bởi khối lượng các dự án đầu tư trên toàn địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020 là rất lớn, vì vậy cần phải có giải pháp để người dân đồng thuận và ủng hộ.