59/63 tỉnh thành đã sẵn sàng “xây” Chính quyền điện tử

VietTimes -- Sau gần 1 năm thực hiện, các nhiệm vụ chung của Nghị quyết 36a đã được các bộ, ngành, địa phương cơ bản hoàn thành. Cụ thể, có 29/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã lập kế hoạch hành động xây dựng Chính quyền điện tử. 
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo báo cáo mới nhất về tình hình thực hiện Nghị quyết 36a, Văn phòng Chính phủ nhận định, việc ban hành Nghị quyết 36a đã có tác động tích cực về mặt nhận thức để các bộ, ngành, địa phương quan tâm, tăng cường chỉ đạo công tác ứng dụng CNTT.

Sau gần 1 năm thực hiện, các nhiệm vụ chung của Nghị quyết 36a đã được các bộ, ngành, địa phương cơ bản hoàn thành. Cụ thể, có 29/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 59/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã lập kế hoạch hành động xây dựng Chính quyền điện tử. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và 4 tỉnh gồm Hòa Bình, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Phú Yên là các đơn vị chưa báo cáo rõ việc ban hành kế hoạch hành động xây dựng Chính phủ điện tử.

Đồng thời, đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 19/30 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ tại địa chỉ: http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/congdan/congkhaitiendogiaiquyethoso.

Theo Văn phòng Chính phủ, ngoại trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là 3 cơ quan đặc thù, hiện còn 8 cơ quan chưa công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ là: Thanh tra Chính phủ, Đài Tiếng nói Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Theo Văn phòng Chính phủ, trong tổng số 73 nhiệm vụ cụ thể được giao tại Nghị quyết 36a, có 31 nhiệm vụ được đánh giá là hoàn thành, đạt tỷ lệ 42%. Đa phần các cơ quan đã hoàn thành một số nhiệm vụ được giao cụ thể trong Nghị quyết 36a, nhưng có 6/23 cơ quan chưa hoàn thành bất cứ nhiệm vụ được giao.

Nhiều nhiệm vụ có thời hạn cụ thể đã qua nhưng chưa thực hiện xong. Một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như đề xuất cơ chế tài chính phù hợp cho đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập các hệ thống thông tin nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử (hệ thống thông tin đất đai - xây dựng), hay việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến (cấp phép qua mạng điện tử) để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp mới chỉ bước đầu được triển khai, chưa có kết quả cụ thể.

Đối với nhiệm vụ kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương - một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết 36a, báo cáo của Văn phòng Chính phủ nêu rõ, đã có 26/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản tới Văn phòng Chính phủ, hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất, thông suốt từ trung ương đến địa phương, cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa các cơ quan.

Ngoại trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ban Quản lý lăng Chủ tịch  Hồ Chí Minh là 3 cơ quan đặc thù, đang nghiên cứu phương án kết nối riêng để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, còn lại Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia chưa hoàn thành kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ.

Hiện Văn phòng Chính phủ đang phối hợp với UBND TP.HCM hoàn thiện liên thông văn bản điện tử từ trung ương đến cấp tỉnh, trong đó có sử dụng chữ ký số trong việc gửi/nhận văn bản điện tử, làm cơ sở cho nhân rộng ra toàn quốc.

Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ cũng đang triển khai tích hợp thông tin kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (theo Quy chế được ban hành kèm theo Quyết định 42 ngày 27/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ) lên hệ thống kết nối liên thông cập nhật tình hình, theo dõi kết quả một cách tự động và trực tuyến. 

Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử được Chính phủ ban hành ngày 14/10/2015 nhằm mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hiệp quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.