Trong phim viễn tưởng ‘Star Treck’, trước khi đột quân Borg tấn công, chúng đưa ra lời đe dọa rất nổi tiếng: "Bọn ta sẽ lấy hết đặc tính sinh học và công nghệ của các ngươi. Chống cự cũng vô ích". Thập niên 90, cảnh báo này gây vang dội trong ngành công nghệ, bởi vì Bill Gates được ví như một Borg.
Dưới sự lãnh đạo của Gates, Microsoft đã từng được biết đến với khả năng bất khả chiến bại. Từ sản xuất ứng dụng (app) tới trình duyệt web, nếu công ty đối thủ nào mà Microsoft không thể mua lại được, họ sẽ làm ra sản phẩm giống hệt và bán ra cho lượng khách hàng khổng lồ của mình nhằm đè bẹp đối thủ cạnh tranh.
Và bây giờ lịch sử lặp lại một lần nữa, CEO của Facebook, Mark Zuckerberg đang tiến lên ngai vàng Gates từng ngự trị.
Hãy cùng xem xét cách hành xử của Facebook với Snapchat, một ứng dụng mạng xã hội mới nổi đang cạnh tranh với Facebook.
Quay lại thời điểm tháng 8 năm 2016, khi Facebook mới ra mắt tính năng Instagram Stories, thực chất là một bản sao của My Story trên Snapchat - thậm chí đến cả cái tên cũng giống nhau. Đồng thời, lượng người dùng của Snapchat bị chững lại trong giai đoạn này. Snapchat giải thích đó là do ảnh hưởng của việc đầu tư vào nghiên cứu cải tiến công nghệ.
Trong khi đó, tháng 1 vừa rồi, Facebook đã bắt đầu thử nghiệm một tính năng giống hệt Snapchat, ngay trên ứng dụng chính.
Gates và Zuckerberg đều cùng sử dụng chiêu sao chép ý tưởng làm vũ khí cạnh tranh: “Nếu không thể hợp tác hay đánh lại đối thủ của mình, thì hãy nghiền nát chúng”. Trong thời thơ ấu của mình, Zuckerberg cũng đã từng rất ngưỡng mộ Gates.
Năm 2013, khi Snapchat còn trong trứng nước, Facebook đã từng cố gắng mua công ty khởi nghiệp này với giá 3 tỉ đô bằng tiền mặt nhưng không thành. Một tháng sau đó, Facebook ra mắt Poke, một bản sao của Snapchat.
Tuy nhiên, Poke không phát triển được và cả nỗ lực tiếp theo là ứng dụng Slingshot trong năm 2014 cũng thế. Hồ sơ IPO của Snapchat cho thấy chỉ số tăng trưởng về lượng người sử dụng đang chậm lại. Nhưng doanh thu của Snapchat vẫn bùng nổ, tăng 590% trong 1 năm từ 2015 tới 2016. Đây có lẽ là mối đe doạ khiến Zuckerberg và Facebook phải quan tâm.
Lợi thế hệ thống phần mềm nền tảng
Trong thời kỳ hoàng kim của Bill Gates, con át chủ bài của Microsoft chính là những điểm mạnh về phần mềm nền tảng. Microsoft sở hữu Windows và Office, là hai công cụ chính mà gần như ai cũng đều sử dụng, dễ dàng tích hợp nhiều sản phẩm khác, các đối thủ cạnh tranh không dễ chen vào được.
Bản thân Facebook cũng có lợi thế cơ chính là dịch vụ nền tảng của nó. Chức năng nhắn tin Messenger của Facebook đã phát triển rất nhanh và tách ra thành hẳn một ứng dụng riêng nhờ việc khai thác được lượng người dùng khổng lồ đang sử dụng Facebook.
Tương tự, Instagram cũng thành công nhờ được tích hợp chặt chẽ với Facebook. Trong khi các dịch vụ chia sẻ ảnh khác vẫn còn đang loay hoay. Giờ đây, Instagram đã trở thành một cài đặt mặc định trên Facebook, và có tới 600 triệu người dùng thường xuyên mỗi tháng.
Vậy nên, nhờ xây dựng tính năng kể chuyện "Stories" trong Instagram, Facebook đã lấy một tính năng quan trọng của công ty đối thủ cạnh tranh và cung cấp cho lượng khách hàng khổng lồ đang sử dụng dịch vụ của mình. Công nghệ và sản phẩm thì khác với Microsoft đã làm trong những năm 90, nhưng câu chuyện và cách làm thì giống hệt nhau. Giờ đây, Facebook bắt đầu thu được tiền thật từ chiến lược này.
Nhưng ngày trước, Gates đã quá tập trung vào chiến lược phát triển Windows và Office, dẫn đến việc Micorsoft không còn bắt kịp được tốc độ với các công ty khác trong thời kỳ internet bắt đầu phát triển - chưa kể để các vụ kiện chống độc quyền tấn công Microsoft trong thập niên 90. Trong khi Microsoft đang dần trở nên thân thiện hơn nhiều đối với các đối thủ cạnh tranh so với thời Gates lãnh đạo, thì bây giờ luồng gió mới Facebook đang thổi qua thung lũng Silicon.
Các công ty khởi nghiệp công nghệ hãy cẩn thận, vì thời của Zuckerberg đang đến. Và các đặc tính sinh học và công nghệ của các bạn sẽ được sao chép trên Facebook.