Xung quanh chuyện Hà Nội khôi phục loa phường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thông tin Hà Nội khôi phục lại loa phường đã ngay lập tức tạo "trend". Nhiều luồng quan điểm đã được đưa ra, trên cả mạng xã hội lẫn truyền thông chính thống.

5 năm trước, sau khi cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng "loa phường đã hoàn thành sứ mệnh", thành phố đã tổ chức lấy ý kiến người dân về việc bỏ thiết bị này.

Tuy nhiên, theo Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 mới được Hà Nội ban hành: UBND thành phố này đã đặt mục tiêu đến năm 2025 tất cả xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư.

Nội dung này, theo ý hiểu của công chúng, là hệ thống loa phường sẽ được phục hồi. Và nó lập tức làm nóng dư luận.

Hà Nội khởi động trở lại hệ thống loa phường. (Ảnh: Thanh niên)

Hà Nội khởi động trở lại hệ thống loa phường. (Ảnh: Thanh niên)

Loa phường đã hết thời?

Tuổi trẻ Online phỏng vấn ý kiến nhiều công dân Hà Nội về chủ trương này. Tờ báo dẫn lời anh Đỗ Hiển Vi (25 tuổi, Hà Nội): "Tôi rất bất ngờ khi biết thông tin như trên. Năm 2022 rồi mà Hà Nội vẫn đặt mục tiêu tới năm 2025 phủ sóng loa phường đến tận các thôn, xóm. Xã hội đang thay đổi từng giờ và tôi nghĩ hiện nay việc phát thông tin bằng loa phường không còn phù hợp".

Bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội TP Hà Nội - cũng tỏ ra băn khoăn, theo tờ báo này. "Hiện nay mọi người sử dụng Internet rất nhiều, qua các hội nhóm như Zalo thì có thể thông báo thông tin qua các hình thức này. Chứ bây giờ mất công xây dựng hệ thống loa mà người ta không nghe lại quá lãng phí. Như ở phường tôi ở, công an khu vực có Zalo của các hộ dân thì họ thường nhắn qua đây, thông tin cập nhật liên tục, nhanh gọn hơn loa phường rất nhiều”.

Quan điểm của ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam - cũng tương đồng: "Theo tôi, xu thế bây giờ các phương tiện online qua Internet quá bùng nổ. Số lượng người dân dùng điện thoại thông minh có thể tương tác với chính quyền địa phương qua Internet, online rất lớn, nên tiện lợi hơn rất nhiều. Vì vậy tôi nghĩ là nên hướng việc truyền thông tin qua hình thức online thay vì qua loa phường".

Tuy nhiên, không phải không có những ý kiến "bênh vực" loa phường.

Bài học từ Nhật Bản

Từng là nghiên cứu viên (Researcher) tại Đại học Kyoto (Nhật Bản), sau đó làm việc với vai trò là chuyên gia và cố vấn cho nhiều tổ chức quốc tế về các vấn đề môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai, với 20 năm kinh nghiệm, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy chia sẻ về câu chuyện ở Nhật Bản - quốc gia tiên tiến hàng đầu thế giới nhưng hiện vẫn duy trì hệ thống loa công cộng.

Ông viết trên mục Blog của Báo điện tử Dân trí: "Người Nhật tôn trọng và thường dành cho nhau không gian tĩnh lặng. Mặc dù vậy họ vẫn phải duy trì hệ thống loa phát thanh trên toàn nước Nhật nhằm phục vụ cho mục đích cảnh báo thiên tai."

"Người Nhật không phá bỏ hệ thống loa đó ngay cả khi hạ tầng về viễn thông và internet đã phát triển hiện đại. Hệ thống loa công cộng phát tín hiệu âm thanh vào 5h chiều mỗi ngày, nhưng nó chỉ là âm thanh ngắn khoảng 15 giây, như một hồi chuông để kiểm tra xem có cái loa nào bị hư hỏng không để thay. Họ không dùng hệ thống loa đó để hỗ trợ các chính trị gia tranh cử, không dùng loa đó để phát nhạc, và tất nhiên không dùng hệ thống loa đó để quảng cáo thực phẩm chức năng.

Tôi làm về quản lý rủi ro thiên tai nhiều năm, đi đánh giá hệ thống hạ tầng cảnh báo thiên tai ở hầu hết vùng miền trong nước và các quốc gia khác trên thế giới, một thông tin tôi chưa bao giờ bỏ sót là tại địa bàn đó có hệ thống loa phát thanh công cộng hay không.

Hệ thống loa phát thanh công cộng là cần thiết đối với những thành phố, thôn bản có các rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và sự cố ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hệ thống loa đó phải được dùng đúng mục đích và không nên lạm dụng nó", trích bài viết.

Quan điểm của Hà Nội

Vietnamnet dẫn lời bà Nguyễn Thị Mai Hương- Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội - cho biết, Thủ đô hiện có 579 xã, phường, thị trấn, tương ứng với đó là các đài truyền thanh hoạt động.

Qua các giai đoạn, tùy vào thời điểm, Sở tham mưu cho thành phố các văn bản để sử dụng hệ thống này hiệu quả nhất.

"Truyền thanh không thể thay thế được. Mỗi tổ dân phố của Hà Nội có nhu cầu thông tin khác nhau. Việc một tổ trưởng đến từng nhà dân sẽ rất vất vả. Trong khi đó, phát thông tin qua loa, người dân sẽ nắm được, từ đó các chủ trương của TP, công việc nội bộ của khu dân cư sẽ đến được với người dân nhanh chóng" - bà Hương nói.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương - Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội . (Ảnh: Đoàn Bổng/Vietnamnet)
Bà Nguyễn Thị Mai Hương - Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội . (Ảnh: Đoàn Bổng/Vietnamnet)

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, trước đây hệ thống loa phường bố trí thành cụm loa lớn, ai ở gần sẽ bị ô nhiễm tiếng ồn. Trong các kế hoạch mới sẽ duy trì số lượng loa ít đi sẽ giảm tiếng ồn, sau đó, các địa phương căn cứ tình hình cụ thể để chọn vị trí và số lượng loa cần lắp đặt.

Nội dung và thời lượng phát thanh sẽ được thay đổi, mỗi ngày không phát quá 2 lần, mỗi lần không quá 15 phút, dừng phát loa vào ngày cuối tuần ( trừ việc cấp bách như dịch bệnh, thiên tai...).

Trước câu hỏi về việc Hà Nội đã từng "khai tử" loa phường, bà Nguyễn Thị Mai Hương khẳng định: "Hà Nội chưa hề dừng loa phường để phải khôi phục, mà chỉ thay đổi cách vận hành để thân thiện với người dân. Chỉ có loa phường mới đáp ứng được và đóng vai trò then chốt với các thông tin cơ sở".

Tháng 8/2017, Hà Nội ban hành đề án số 5133 sắp xếp lại hoạt động của đài truyền thanh xã, phường, thị trấn theo hướng tại các quận chỉ duy trì từ 5 đến 10 cụm loa (mỗi cụm tối đa 2 loa) và loa phường tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng không phát hàng ngày, chỉ phát khi có thông báo khẩn như thiên tai, dịch bệnh hoặc theo yêu cầu của trung ương, thành phố.

Sau đó, thành phố thí điểm lắp đặt thiết bị thông minh (có tên M-GATEWAY, tương tự modem wifi) tại bốn phường thuộc ba quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Cầu Giấy, với kỳ vọng thiết bị sẽ thay thế được loa phường. Tuy nhiên, kết quả thí điểm không được công khai.

Trong 2 năm đại dịch Covid-19, tại các cuộc tiếp xúc, cử tri đã đề nghị khôi phục hệ thống loa phường như trước để phục vụ tuyên truyền phòng, chống dịch.

Tháng 3/2021, Hà Nội quyết định điều chỉnh đề án 5133, không quy định cứng số lượng cụm loa mà giao chính quyền cơ sở tự quyết định phù hợp với điều kiện thực tế. Quyết định điều chỉnh cũng quy định về nội dung, thời gian và thời lượng phát thanh; nội dung khác được thành phố hướng dẫn tiếp tục thực hiện theo đề án 5133.

Trích theo VnExpress

(Tổng hợp)