Số liệu trên được Bộ KHĐT báo cáo với Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 10/2016 của Chính phủ diễn ra vào ngày 29/10.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu từ nông, lâm, thủy sản có nhiều tín hiệu khả quan với mức tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2015 còn nhập khẩu tăng nhẹ do giảm giá.
Cụ thể, đối với xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến, mức tăng 8,9% được đánh giá là khá thấp do dệt may, da giày, linh kiện điện tử, điện thoại và linh kiện có tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ 2015.
Trong khi nhóm hàng nông lâm thủy sản có sự phục hồi xuất khẩu của một số mặt hàng chủ yếu, gồm rau quả tăng 32,2%; cà phê tăng 26,2%; hạt điều tăng 16,4%; hạt tiêu tăng 15,2% và thủy sản tăng 6,5%.
Nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản sụt giảm tới 33,6% có nguyên nhân chủ yếu là sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu dầu thô (đạt 5, 976 triệu tấn, tương đương 1,971 tỷ USD, giảm 22,2% về lượng, giảm 22,4% về giá và giảm 39,6% về kim ngạch).
Về thị trường xuất khẩu, 10 tháng đầu năm 2016, các DN Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc tăng 23,9%; Mỹ tăng 15%; EU tăng 7,4%; Nhật Bản tăng 3,4%. Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu vào ASEAN giảm 7,6% và chỉ đạt tăng trưởng dương ở 3/9 nước ASEAN.
Theo Bộ KH&ĐT, kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN giảm trong thời gian gần đây là do tính tương đồng trong cơ cấu hàng xuất khẩu và những rào cản phi thương mại khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn tại các thị trường này. Bên cạnh đó, nếu so với các sản phẩm cùng loại của Thái Lan hay Singapore, nhiều sản phẩm của Việt Nam vẫn chưa cạnh tranh được về giá và sự đa dạng chủng loại.
Còn về nhập khẩu, nhập khẩu của các DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 83,22 tỷ USD, tăng 1,9% và chiếm 59,2% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 57,34 tỷ USD, tăng 2,4%.
Kim ngạch nhập khẩu tăng thấp chủ yếu là do sự sụt giảm giá hàng hóa thế giới, đặc biệt là giá dầu thô giảm, dẫn đến giá nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, phân bón, sắt thép, chất dẻo nguyên liệu giảm theo.
Lượng hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu từ châu Á chiếm gần 80% tổng kim ngạch nhập khẩu. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu có kim ngạch nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước là: Hàn Quốc tăng 10,8%, Nhật Bản tăng 1,7% và EU tăng 6,4%. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 1,2%, ASEAN giảm 2,8%.
Như vậy, trong 10 tháng đầu năm, cả nước xuất siêu 3,52 tỷ USD, chiếm 2,44% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó, khu vực FDI (không kể dầu thô) xuất siêu 17,5 tỷ USD, khu vực trong nước nhập siêu 15,96 tỷ USD.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá bên cạnh số liệu thống kê, năm nay chứng kiến sự đột phá và khởi sắc mạnh mẽ và bền vững về xuất khẩu của khu vực vốn đầu tư trong nước khi liên tục duy trì mức tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Nhóm hàng nông nghiệp thủy sản đã đạt có sự tăng trưởng ấn tượng. Cùng với đó, hoạt động khai thác các thị trường mới đặc biệt thị trường ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) rất hiệu quả với số tăng trưởng lên tới 30%. Đây là cơ sở kỳ vọng 2 tháng cuối năm kim ngạch xuất khẩu có thể đạt mức 2 con số.
Từ nay đến cuối năm, Bộ Công thương sẽ tăng cường chỉ đạo công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu; phổ biến, hướng dẫn, có giải pháp phù hợp hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả tại các thị trường có FTA; kịp thời thông tin thị trường, sớm phát hiện và có biện pháp vượt qua các rào cản kỹ thuật.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần tập trung khơi thông ách tắc trong hoạt động xuất nhập khẩu thông qua việc rà soát và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; nghiên cứu đơn giản hóa quy trình thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ.
Đối với nhập khẩu, Bộ Công thương và các bộ ngành, hiệp hội cần đánh giá nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng và khả năng đáp ứng của sản xuất trong nước để có biện pháp hạn chế cụ thể với từng mặt hàng; tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan để ngăn chặn gian lận thương mại và trốn thuế...