Đứt mạch chuỗi tăng trưởng liên tiếp
ACV vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 với doanh thu thuần và lợi nhuận gộp lần lượt đạt 5.655 tỷ đồng và 3.642 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 10% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp cũng tăng từ 64,4% lên 61,9%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm mạnh 70% còn 294 tỷ đồng, do công ty không còn khoản lãi chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ và khoản lãi tiền gửi giảm phân nửa.
Ngược lại, chi phí tài chính lại tăng cực mạnh tới 40 lần lên 809 tỷ đồng; chủ yếu đến từ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ hơn 771 tỷ đồng.
Khoản lỗ tỷ giá khổng lồ này không hẳn là điều bất ngờ, bởi tính tại ngày 30/9/2024, ACV đang có khoản vay dài hạn hơn 10.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA. Tại báo cáo phân tích về ACV mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) bày tỏ mối lo ngại xu hướng tăng giá của đồng Yên sẽ tạo tác động tiêu cực tới lợi nhuận doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, ACV đã giảm trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, giúp chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 68% so với cùng kỳ năm trước xuống 296 tỷ đồng.
Dù vậy, việc giảm trích lập dự phòng cũng không cứu vãn được sự suy giảm của lợi nhuận. Lợi nhuận trước thuế quý III của ACV vẫn giảm 16% so với cùng kỳ năm trước xuống 2.878 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm 15% xuống 2.339 tỷ đồng - đứt chuỗi tăng trưởng lợi nhuận liên tiếp từ quý III/2022.
Luỹ kế 9 tháng năm 2024, ACV ghi nhận doanh thu thuần 16.833 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 10.506 tỷ đồng, tăng 21%. Năm nay, ACV đặt mục tiêu tổng doanh thu 20.325 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 9.378 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận năm nay.
Hơn 9.000 tỷ đồng đổ vào Sân bay Long Thành
Tại ngày 30/9/2024, tổng tài sản của ACV tăng gần 9% so với đầu năm, đạt 73.258 tỷ đồng.
“Ông lớn” ngành hàng không này duy trì lượng tiền và tương đương tiền khổng lồ với hơn 27.000 tỷ đồng, chiếm tới 37% tổng tài sản.
Chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản của ACV là khoản phải thu ngắn hạn, đạt 13.782 tỷ đồng. Trong đó, ACV ghi nhận khoản phải thu từ một số hãng hàng không như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (HoSE: HVN) (3.745 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Hàng không VietJet (HoSE: VJC) (3.031 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) (2.340 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Hàng không Pacific Airlines (888 tỷ đồng)…
Đáng chú ý, ACV phải trích lập 100% nợ xấu khoản phải thu của Bamboo Airways và Pacific Airlines. Tỷ lệ trích lập dự phòng đối với HVN đạt 8%, tương đương 303 tỷ đồng.
Nêu góc nhìn về khoản trích lập dự phòng của ACV, báo cáo phân tích của VDSC cho rằng HVN đã có lãi trở lại từ hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2024 và dòng tiền CFO tương đối dồi dào, do đó khoản dự phòng của HVN là có thể thu hồi trong tương lai.
Tuy nhiên, đối với Bamboo Airways, công ty này đang gặp khó khăn tài chính và dự kiến tiếp tục lỗ trong năm 2024. Quá trình tái cơ cấu đội bay và tuyến bay để đạt được điểm hòa vốn sẽ mất nhiều thời gian. Do đó, VDSC không kỳ vọng ACV có thể thu hồi được nợ từ Bamboo Airways.
Khoản mục tài sản dở dang dài hạn của ACV tăng gấp đôi so với đầu năm lên 14.881 tỷ đồng. Trong đó, ACV đầu 9.520 tỷ đồng vào dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1, tăng 78% so với đầu năm; hơn 3.700 tỷ đồng cho dự án Xây dựng Nhà ga hành khách T3 - Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất
Về nguồn vốn, tại thời điểm kết thúc quý III/2024, nợ phải trả của ACV giảm gần 5% so với đầu năm, còn 16.172 tỷ đồng. Tổng dư nợ vay đạt 10.315 tỷ đồng, chiếm 14% tổng nguồn vốn.
Vốn chủ sở hữu đạt 57.085 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm; trong đó 29.214 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.