Những mẫu xe “Cross” không phải là món mới, mà có mặt như một điều tất yếu. Năm 2012, Ford tung ra xe “gầm cao” EcoSport dựa trên chiếc hatchback Fiesta tại khu vực Đông Nam Á.
Mẫu xe này nhanh chóng được người tiêu dùng đón nhận vì đáp ứng được nhu cầu về phương tiện di chuyển nhỏ gọn, phù hợp với đô thị, đủ êm ái trên các cung đường kém hoàn thiện, và có thêm cơ hội thoát khỏi các tình huống ngập lụt sau những cơn mưa rào vùng khí hậu nhiệt đới. Thành công của EcoSport đã tạo cảm hứng cho hàng loạt các nhà sản xuất khác.
Tuy nhiên, nếu phát triển mới hoàn toàn một mẫu xe chỉ để đáp ứng nhu cầu của một khu vực gồm nhiều quốc gia với hạ tầng giao thông đang phát triển là điều không một hãng sản xuất nào có thể mạo hiểm, nhất là về chi phí. Bài toán đặt ra là làm thế nào tạo ra một mẫu xe có công năng đúng mong muốn, nhưng lại không phải đối mặt với hàng loạt thách thức về tài chính và kĩ thuật. Cách dễ dàng nhất chính là việc chọn một mẫu xe hatchback, sedan ăn khách sẵn có và… nâng gầm.
Với hướng đi này, hàng loạt sản phẩm mang kiểu dáng “Cross” đã ra đời, mà Hyundai i20 Active (dựa trên hatchback i20), Honda WR-V (dựa trên Jazz) hay Fiat Avventura Urban Cross… là điển hình.
Thậm chí, Mitsubishi còn táo bạo hơn khi quyết định nâng gầm chiếc xe đa dụng (MPV) ăn khách Xpander của mình. Ford cũng đưa ra thêm Focus Active và FreeStyle để đa dạng hóa danh mục sản phẩm trong phân khúc cạnh tranh mới này.
Vậy xe “Cross” khác biệt như thế nào so với phiên bản “thường”? Lấy một ví dụ là Toyota Yaris Cross mới. Mẫu xe dành riêng cho Đông Nam Á này mới đây đã ra mắt tại Thái Lan; sở hữu ngoại hình mang đậm cảm hứng của các dòng SUV/Crossover gầm cao.
Mặc dù có thể tương đồng về kích thước hay tiện nghi, xe “Cross” không thể sở hữu năng lực vượt địa hình như crossover, chưa nói tới SUV
|
Điểm ưu việt nằm ở gầm xe được nâng lên 30mm so với Yaris hatchback thông thường (nhờ việc gia tăng hành trình giảm xóc), lên tới mức 190mm - cho phép cải thiện khả năng vượt chướng ngại vật trong đô thị.
Cùng với đó, Toyota cũng nâng kích thước vành để “trám” khoảng trống do việc nâng gầm tạo ra. Về phần mình, khoảng sáng gầm của Xpander Cross cũng được nâng thêm 20mm (lên 225mm) với những điều chỉnh kết cấu tương tự như Yaris Cross.
Dĩ nhiên, những mẫu xe “Cross” không thể chinh phục những cung đường địa hình khó khăn tới tận cùng như những dòng SUV đích thực. Trước hết, nhóm xe này duy trì nguyên vẹn các tùy chọn động cơ của sedan/hatchback, vốn vẫn chú trọng tới vận hành êm ái và tiết kiệm nhiên liệu thay vì vượt chướng ngại vật.
Trong khi Yaris Cross sở hữu động cơ 4 xy lanh 1,2L, Xpander Cross cũng rất “khiêm tốn” với động cơ 4 xy lanh MIVEC 1,5L. Với mô men xoắn cực đại chỉ trên dưới 100Nm ở tua máy cao, khó có thể gọi năng lực vận hành của các mẫu xe này là “dũng mãnh”.
Bên cạnh đó, với cơ chế dẫn động cầu trước, lốp mặc định thường mềm (cho đô thị) và khung gầm không được che chắn để tránh va đập, những chiếc xe “Cross” sẽ không thể tồn tại lâu nếu bị đưa ra khỏi các cung đường nhựa.
Việc sử dụng nền tảng sẵn có cho phép xe “Cross” duy trì mức giá tốt, phù hợp với thu nhập của người dân nhiều quốc gia đang phát triển
|
Vậy xe “Cross” phù hợp với đối tượng người tiêu dùng như thế nào? Trước hết, cần khẳng định rằng, những mẫu xe này không phải lựa chọn của người đam mê cầm lái. Thay vào đó, nó sẽ là phương tiện lý tưởng cho các gia đình nhỏ hay những công dân trẻ tuổi tại các đô thị đang phát triển.
Với xe “Cross”, người lái có thể yên tâm hơn khi vượt các cung đường ngập lụt so với việc cầm lái sedan/hatchback. Xe cũng sẽ chinh phục ổ gà, vỉa hè, đường xấu… êm ái hơn, thuận tiện cho việc di chuyển gia đình.
Tuy nhiên, với những ai có xu hướng thực hiện các chuyến dã ngoại cuối tuần ra các vùng thôn quê hay miền trung du, xe “Cross” có thể sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ. Thay vào đó, một chiếc crossover thực thụ hay các dòng SUV sẽ phù hợp hơn nhiều.
Theo Hà Nội mới
http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Oto-xemay/951743/xu-huong-o-to-nang-gam-cross-binh-moi-ruou-cu