Mấy ngày qua, trên nhiều trang mạng xã hội, trang Facebook cá nhân đăng tải nhiều hình ảnh nhiều ô tô (đa phần là ô tô tải) đã chết máy hoặc không thể nổ máy vì trời quá lạnh.
Đặc biệt ở các tuyến đường miền núi như Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn...
Nhiều ô tô “phơi” mình trong giá lạnh trong nhiều giờ đồng hồ khiến xăng, dầu đông sánh lại. Ảnh: Otofun
Đang dùng ấm nước sôi dội vào máy ô tô đã chết máy trên đường Điện Biên Phủ (Sa Pa), ông Phạm Khắc Lâm cho rằng không phải ai cũng biết mẹo dội nước sôi vào máy ô tô (chủ yếu là ô tô con) để làm nóng bình xăng khi xe gặp sự cố chết máy/không khởi động được do lạnh.
Còn tài xế Nguyễn Mạnh Việt, lái xe tuyến Hà Nội – Lào Cai cho hay, nếu xe chết máy ở những cung đường băng tuyết ở vùng núi cao không có xe cứu hộ, nhiều tài xế phải đốt lửa làm nóng bình dầu trước khi dầu vào buồng đốt.
Không chỉ đốt lửa hơ bình nhiên liệu, nhiều lái xe có kinh nghiệm còn dùng nước sôi dội vào máy và hệ thống dẫn xăng, dầu.
Nhiều tài xế chia sẻ, dầu lạnh không nổ được máy là căn “bệnh” chung của những ô tô chạy dầu, đặc biệt là thời điểm có băng tuyết như hiện nay.
Được biết, dầu diesel ở Việt Nam không có thành phần chống đông như ở các nước châu Âu nên mỗi khi gặp thời tiết rất lạnh hoặc nhiệt độ thấp thì dầu bị sánh, khi đó, dầu có chạy vào buồng đốt nhưng không thể đốt cháy được.
Thấy hệ thống dẫn xăng, dầu bị tê liệt, nhiều tài xế đã đổ nước sôi vào cốc lọc dầu cho nóng máy để nổ trở lại. (Ảnh: otofun)
Tuy nhiên, theo kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch việc tài xế đốt lửa làm nóng bình dầu cực kỳ nguy hiểm.
Kỹ sư Tạch phân tích, nguyên lý động cơ diesel không dùng nhiệt từ bugi để đốt cháy nhiên liệu mà lại sử dụng nhiệt độ của áp suất buồng đốt nén lên tạo ra nhiệt. Khi áp suất càng cao thì nhiệt độ càng lớn sẽ làm nhiệt độ trong buồng đốt nóng lên và đốt cháy dầu.
Tuy nhiên, một số kỹ sư ô tô cho rằng, cách đốt lửa làm nóng bình nhiên liệu cực kỳ nguy hiểm. Ảnh: Otofun
“Khi thời tiết quá lạnh, dầu cũng lạnh theo nên khi vào buồng đốt nhiệt độ ở đây thấp, dù đã được nén nhưng nhiệt độ sẽ không đủ để đốt cháy. Điều này thường xảy ra với những động cơ công nghệ đời cũ. Với động cơ đời mới hiện đại sẽ có bộ đốt và sấy dầu trước khi dầu đưa vào buồng đốt. Với việc được sấy nóng trước khi vào buồng đốt thì sẽ dễ nổ hơn”, kỹ sư Lê Văn Tạch nói.
Cũng theo vị kỹ sư ô tô, nếu chỉ một sự rò rỉ nhiên liệu thì hậu quả sẽ khôn lường. Thực ra, để cho xe nổ thì không được sử dụng biện pháp đốt từ bên ngoài bình, mà hãy đề lâu thêm một chút thì xe sẽ dễ nổ hơn.
Nhiều chuyên gia khuyến cáo tài xế không nên áp dụng bởi việc đốt lửa để làm nóng nhiên liệu nguy hiểm cũng chả kém gì việc dùng bật lửa soi bình xăng. Rất dễ xảy ra cháy, nổ và cực kỳ nguy hiểm cho người và phương tiện.
Theo GD&XH
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu