Theo chia sẻ của anh Thanh, người đã gặp vô tình đổ nhầm nhiên liệu gần đây, anh "vào một trạm xăng ở ngã tư Lê Văn Sỹ và Trần Huy Liệu (TP HCM), do thấy nữ nhân viên cây xăng nhiều khách chờ quá nên tôi tự đổ và sơ ý nhầm sang dầu Diesel".
Sau khi tính tiền xong, "tôi lên xe đi được khoảng 2 km thì bỗng nhiên thấy xe khựng khựng rồi không nổ máy nữa". Thời điểm này, anh Thanh chia sẻ mình đã thử đề và khởi động lại nhưng không được do "xe báo lỗi ắc-quy".
Liên hệ với một garage quen biết, vị chủ xe này được khuyến cáo "không được đề máy lại, vì điều này rất nguy hiểm cho xe", rồi để họ kéo xe về. Biện pháp xử lý của garage dành cho chiếc xe này là "xúc bình xăng và thay 4 bu-gi". Kết quả, anh Thanh cho biết "xe thậm chí chạy còn sướng hơn trước kia".
Trao đổi với Tiền Phong, kỹ sư Lê Văn Tạch cho biết: "Thực ra, nếu đổ nhầm dầu Diesel vào máy chạy xăng thường thì có tác hại là xe sẽ chết máy nhưng không có ảnh hưởng đáng kể đến động cơ". Trong trường hợp của anh Thanh ở trên, xe vẫn chạy được một đoạn đường, được giải thích do "xăng còn lại trộn với dầu" nên giúp xe vận hành thêm một thời gian.
Cũng theo anh Tạch, việc xử lý trong trường hợp này vẫn là "súc rửa lại bình xăng và thay lọc xăng, và nếu cẩn thận hơn có thể súc rửa thêm kim phun".
Trong khi đó, kỹ sư từng làm tại Toyota cho biết, nếu tài xế đổ theo chiều ngược lại, tức đổ xăng vào xe chạy dầu Diesel, sẽ gây nguy hại hơn rất nhiều, vì "nhiên liệu đã bị kích nổ quá sớm hơn thời điểm chuẩn nên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến động cơ".
Một chiếc ôtô cần nhiên liệu để vận hành nhưng các tài xế cần phải đổ đúng loại xăng hoặc dầu Diesel để giúp xe chạy được ổn định và giữ được lâu dài, tránh tình trạng chết máy giữa đường gây nhiều phiền toái và nguy cơ tai nạn, hay nguy hiểm hơn còn có thể ảnh hưởng đến chính chiếc xe sau này.
Theo Tiền Phong
https://www.tienphong.vn/xe/can-xu-ly-the-nao-khi-do-nham-dau-diesel-vao-xe-chay-xang-1484049.tpo
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu