'Xu hướng chuyển dịch đầu tư sang thị trường chứng khoán chỉ mới ở giai đoạn khởi trào'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Số lượng tài khoản chứng khoán hiện mới chiếm 3,7% dân số, là mức rất thấp so với các quốc gia trong khu vực, báo cáo triển vọng ngành 2021 vừa công bố của BSC cho hay.
Giá trị giao dịch TTCK Việt Nam bằng Singapore và Indonesia cộng lại?
Giá trị giao dịch TTCK Việt Nam bằng Singapore và Indonesia cộng lại?

Theo CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh vẫn sẽ tiếp tục là yếu tố hỗ trợ chính cho thanh khoản thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, BSC cũng lưu ý rằng, quy mô tiền mới trên mỗi tài khoản đang có xu hướng giảm so với năm 2020.

Dù vậy, với tổng số lượng tài khoản chứng khoán chỉ mới chiếm 3,7% tổng dân số cả nước (rất thấp so với các quốc gia khác trong khu vực), BSC tin rằng tiềm năng từ thị trường vẫn còn rất lớn.

“Xu hướng chuyển dịch đầu tư sang thị trường chứng khoán chỉ mới ở giai đoạn khởi trào”, báo cáo nêu.

BSC cho biết, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam đã gia tăng đáng kể. Theo số liệu của công ty chứng khoán này, giá trị giao dịch trung bình/ngày (thanh khoản) của thị trường Việt Nam đã đạt mức cao thứ hai trong khối ASEAN, chỉ sau Thái Lan, và cao gấp đôi so với tổng giá trị giao dịch của Singapore và Indonesia cộng lại.

Nhà đầu tư F0 giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam

Nhà đầu tư F0 giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam

Bên cạnh đó, BSC cũng kỳ vọng dòng vốn nước ngoài sẽ quay trở lại trong năm 2022 khi thị trường chứng khoán Việt Nam được thêm vào danh sách theo dõi của MSCI và chính thức nâng hạng thị trường trong năm 2023.

Về tình hình kinh tế vĩ mô, nhóm phân tích của BSC cho rằng, Việt Nam đang ở cuối giai đoạn suy thoái kinh tế và trong pha phục hồi ban đầu, điển hình bởi đa số các dấu hiệu như giá cổ phiếu bắt đầu tăng, giá trái phiếu có xu hướng bắt đầu giảm, lãi suất huy động có xu hướng giảm, bắt đầu thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ.

Với quan điểm lạc quan, BSC cho rằng định giá VN-Index đang ở mức hợp lý và hấp dẫn hơn nếu nhìn trong dài hạn.

Tính đến 26/10/2021, VNIndex hiện đang giao dịch ở mức PE tra cứu (trailing) là 16,5 lần, cao hơn mức 5,1% mức trung bình 5 năm, hiện chỉ mới tiệm cận mức độ lệch chuẩn 0.5 lần.

BSC đưa ra dự báo về mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế kỳ vọng tương lai trong kịch bản thận trọng nhất với mức tăng trưởng lần lượt đạt 30% năm 2021 và 18% năm 2022.

Theo đó, VN-Index sẽ giao dịch mức P/E FW hấp dẫn hơn lần lượt là 16,5 lần năm 2021F và 13,8 lần năm 2022F, đây là mức định giá khá hấp dẫn so với trung bình khu vực.

Mức tăng trưởng lợi nhuận được dự báo khả quan đến từ sự phục hồi chung các nhóm ngành kinh tế với tỷ trọng đóng góp chính đến từ (1) Ngân Hàng, (2) Bất động sản, (3) Công nghiệp (bao gồm VLXD, Tài nguyên cơ bản), (4) Dầu khí, (5) Dịch vụ tiêu dùng bán lẻ và (6) Nhóm ngành xuất khẩu.

BSC dự báo VN-Index theo kịch bản tích cực sẽ đạt 1.550 điểm vào cuối năm 2021 và kịch bản tiêu cực sẽ đạt mức 1.350 điểm vào cuối năm 2021./.