Bà Phạm Ngọc Yến (40 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) nộp hồ sơ xin giấy phép xây dựng (GPXD) tại một lô đất thuộc P.Tân Tạo A (Q.Bình Tân) vào cuối tháng 3-2015, được hẹn trả kết quả ngày 17-4.
Lô đất nằm gần đường cao tốc, diện tích đất đã chuyển mục đích sử dụng và nằm ngoài quy hoạch lộ giới của đường này. Theo bản vẽ hiện trạng vị trí, cạnh đường cao tốc có một con đường đất chạy song song. Trong thời gian chờ giấy phép, nhà thầu bắt đầu đào móng, chuẩn bị xây nhà.
6 lần nộp hồ sơ
Gần đến ngày nhận kết quả theo biên nhận hẹn, bà Yến được một người quen thông báo rằng bản vẽ phải điều chỉnh. Bà Yến xin rút hồ sơ sớm vài ngày để điều chỉnh bản vẽ cho nhanh.
Sau khi rút hồ sơ, công trình của bà Yến bị cơ quan chức năng kiểm tra và xử phạt vì xây dựng không phép.
Ngày 26-5, bà Yến nộp hồ sơ xin GPXD lần thứ 2, được hẹn nhận kết quả vào ngày 16-6. Đến ngày 18-6, bà Yến nhận được thông báo của Phòng quản lý đô thị Q.Bình Tân kèm hồ sơ, phòng này cho biết phải xin ý kiến của Sở Giao thông vận tải.
Nội dung xin ý kiến là việc cấp GPXD cho vị trí nhà của bà Yến có ảnh hưởng đến hành lang an toàn của đường cao tốc hay không.
Ngày 3-7, bà Yến tiếp tục nộp hồ sơ lần thứ 3, được hẹn đến ngày 24-7 trả kết quả. Ngày 22-7, hồ sơ của bà Yến lại được trả vì Phòng quản lý đô thị Q.Bình Tân chưa nhận được công văn trả lời của Sở Giao thông vận tải.
Cuối tháng 7, bà Yến nộp hồ sơ lần thứ 4, được hẹn trả kết quả vào ngày 21-8. Ngày 18-8, qua tìm hiểu bà Yến biết Sở Giao thông vận tải vừa có văn bản trả lời về trường hợp xin GPXD của mình nên làm đơn xin rút hồ sơ, sau đó nộp lại ngay trong ngày.
Thế nhưng đến ngày hẹn trả kết quả lần nộp hồ sơ thứ 5 (ngày 9-9), bà Yến thêm một lần thất vọng khi Phòng quản lý đô thị Q.Bình Tân thông báo chưa thể cấp GPXD được, vì phòng này phải tiếp tục hỏi ý kiến của Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng.
Nội dung hỏi ý kiến các sở lần này là nhà của bà Yến có được... nối trực tiếp ra đường cao tốc hay không.
Ngày 18-9, bà Yến nộp hồ sơ xin GPXD lần thứ 6, đồng thời đăng ký gặp lãnh đạo UBND Q.Bình Tân qua tổ tiếp công dân. Bà Yến được ông Lê Văn Thinh (lúc này là phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân, hiện nay là chủ tịch UBND Q.Bình Tân) tiếp ngày 1-10.
Tại buổi tiếp, ông Thinh thừa nhận quận có thiếu sót, xin lỗi bà Yến và chỉ đạo các phòng chức năng hoàn tất thủ tục để ông ký cấp GPXD theo quy định. Đến ngày 6-10, bà Yến nhận được GPXD.
Trả lời Tuổi Trẻ vì sao quận không hỏi các sở một lần về những vướng mắc trong việc cấp phép cho bà Yến mà lại phải hỏi nhiều lần, kéo dài thời gian chờ đợi của người dân, bà Nguyễn Thanh Nga - phó Phòng quản lý đô thị Q.Bình Tân - cho biết trong văn bản trả lời đầu tiên, Sở Giao thông vận tải không nói rõ là nhà ở của bà Yến có được kết nối trực tiếp ra đường cao tốc hay không nên phòng phải gửi văn bản thứ hai để hỏi tiếp cho rõ.
Trong GPXD cũng lưu ý chủ nhà không được phép kết nối giao thông trực tiếp ra đường cao tốc.
Đòi tiền
Theo lời bà Yến, sau lần đầu nộp hồ sơ xin GPXD gặp khó khăn, ông Thái Bình Quốc (nhân viên Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Q.Bình Tân, nay là chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.Bình Tân) có liên lạc và đề nghị “giúp đỡ” bà Yến với giá tiền ban đầu là 120 triệu đồng.
Bà Yến từ chối thì ông Quốc dọa sẽ “dập” cho bà không bao giờ có GPXD. Theo bà Yến, lần nào bà nộp hồ sơ cũng bị ông Quốc nắm thông tin và hù dọa nếu không chịu “chung” thì sẽ không bao giờ xin được giấy phép.
Thấy hồ sơ liên tục gặp khó khăn, mỗi lần một lý do khác nhau nên bà Yến hứa “chung chi” theo yêu cầu của ông Quốc. Lúc này, ông Quốc lại nâng giá lên 5.000 USD và 50 triệu đồng.
Trong nhiều ngày chứng kiến việc liên lạc giữa bà Yến và ông Quốc, PV Tuổi Trẻ ghi nhận liên tục có những cuộc điện thoại đòi tiền từ ông Quốc.
Ngay việc bà Yến gặp lãnh đạo quận, ông Quốc cũng khẳng định do mình sắp xếp và đề nghị phải “chung” trước 50 triệu đồng để đảm bảo tiếp xúc thành công.
Thậm chí ông Quốc còn trực tiếp cầm giấy mời của UBND Q.Bình Tân có đóng dấu đỏ trao tận tay bà Yến, dù ông Quốc không liên quan đến việc thụ lý hồ sơ này.
Sau cuộc tiếp xúc với ông Lê Văn Thinh ngày 1-10, ông Thinh hứa sẽ có GPXD cho bà Yến vào chiều 5-10 (thực tế đến ngày 6-10 mới có GPXD) thì chiều hôm đó, khi giấy phép chưa có nhưng ông Quốc cứ liên tục điện thoại thúc bà Yến giao tiền, yêu cầu bổ sung những loại giấy tờ vốn có đủ trong hồ sơ.
Gần 17g ngày 5-10, ông Quốc gọi cho bà Yến và nói: “5g không có thì mấy giờ? Tại vì đại ca ngồi đây ký tới 8g tối lận... Bây giờ chị mang lên giùm em đi!”.
“Chừng nào Quốc nhận tiền được?” - bà Yến hỏi. “Bây giờ, năm ngàn (5.000 USD - PV) của em thì từ từ chị gửi cho em cũng được. Chị gửi trước cho em cái năm chục triệu đi, nha. Tại vì năm chục triệu là em mượn con bé trong văn phòng này” - ông Quốc nói.
Bà Yến đề nghị ông Quốc cứ trình ký trước, chuyện giấy tờ bà sẽ bổ sung sau, tiền còn phải đi vay, chưa chắc lấy được đúng hẹn.
Ông Quốc nói: “Thôi được rồi, chị cứ mang cho em ba cái kia đi. Còn chuyện tiền thì để sáng ngày mai. Em sẽ ghé lấy để gửi cho người ta”.
Trước khi kết thúc cuộc nói chuyện, ông Quốc còn “thòng” thêm một câu đại khái là ông Quốc sẽ cầm giấy hẹn để lấy GPXD chứ không trả cho bà Yến theo quy trình cho đến khi bà Yến giao tiền.
Đòi tiền để “cảm ơn”
Chiều 6-11, chúng tôi gặp ông Thái Bình Quốc và trao đổi về các nội dung bà Yến tố cáo. Chúng tôi hỏi: “Ông có xác nhận việc ông nói với bà Yến phải đưa ông 50 triệu đồng trước không?”.
Ông Quốc nói: “Đúng. Sáng đó tôi nói chị Yến ráng giúp cho tôi để tôi có phần nào đó cảm ơn mọi người. Nhưng nói thẳng với anh là bữa thứ sáu đó là mình bị cắt đuôi rồi.
Chiều đó đoàn kiểm tra xuống, tôi phải nói dối là nhà bà cô, bà dì của em lỡ rồi, xin thêm một ngày (chậm ra quyết định xử lý công trình xây không phép - PV). Tôi đứng ra giúp đỡ cho người ta, tôi cũng phải cầm một cái gì để cảm ơn người ta”.
Ông Quốc còn nói: “Tôi phải cảm ơn chị Yến về cái đơn này (đơn tố cáo - PV), vì nếu không có đơn này thì sau này anh em không ai làm cho tôi nữa”.
Giải thích lý do quyết đòi tiền bà Yến cho bằng được, dù khi bà Yến đã nhận được giấy phép, ông Quốc nói: “Mình cầm để đi cảm ơn người ta. Lúc đó giấy sắp ra rồi. Tôi phải biết lấy cái gì đó đi cảm ơn. Chai rượu hay cái gì đó thì tôi cũng phải bỏ tiền ra mua”.
Trao đổi về vụ việc, ông Lê Văn Thinh - chủ tịch UBND Q.Bình Tân - khẳng định: “Việc mình quan tâm, tạo điều kiện giúp dân mà bị ai đó lợi dụng, “làm tiền” thì không thể chấp nhận được. Nếu có thì phải xử lý nghiêm”.
Ông Thinh cũng đề nghị PV cung cấp toàn bộ tài liệu, chứng cứ để chuyển cho cơ quan điều tra hoặc thanh tra nội bộ xác minh.
“Tôi muốn biết 5.000 USD, 30 triệu đồng, 50 triệu đồng đó là ai nhận. Báo nói vậy thì tôi ghi nhận vậy, đề nghị báo cung cấp cho tôi những tư liệu đi, tôi sẽ cho kiểm tra lại” - ông Thinh nói.
Theo Tuổi trẻ