Hiện Khoa Nhiễm của Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) đang điều trị nội trú 70 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, trong đó có 13 trường hợp nặng. Ngoài các bệnh nhi sống trên địa bàn TP.HCM, có khoảng 50% trường hợp ở các tỉnh lân cận khác điều trị tại bệnh viện.
BS.CKII. Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Nhiễm của Bệnh viện - cho biết “tính từ đầu năm 2019 đã có rất nhiều bệnh nhi mắc sốt xuất huyết với những biến chứng nặng như sốc kéo dài, tổn thương tạng, suy đa cơ quan, xuất huyết tiêu hóa...”
Đa số trường hợp sốt xuất huyết có biến chứng nặng, diễn tiến nhanh thường do sự chủ quan, lơ là trong giai đoạn phát hiện bệnh, làm ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị.
"Bất kỳ trẻ nào đang sốt và sống trong vùng dịch tễ sốt xuất huyết đều phải nghĩ đến trường hợp bị sốt xuất huyết để được thăm khám, theo dõi cho đến khi an toàn. Triệu chứng trong những ngày đầu không phân biệt được với các bệnh khác nên cần phải có bác sĩ thăm khám, xét nghiệm và theo dõi dấu hiệu nặng" - BS. Việt nhấn mạnh.
Ở giai đoạn khởi phát, trẻ thường sốt cao liên tục từ 3-7 ngày, xuất huyết nhiều nơi, nôn ói, đau bụng... Khi có các dấu hiệu như: li bì, vật vã, tiểu ít, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, lạnh tay chân, xuất huyết da và niêm mạc thì phải đưa trẻ nhập viện ngay.
"Sốt xuất huyết có ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn sốc, giai đoạn hồi phục. Ở giai đoạn sốt rất khó nhận biết bệnh. Hơn thế nữa, mặc dù sốt xuất huyết đã có xét nghiệm chẩn đoán sớm nhưng vẫn có trường hợp âm tính giả" - BS. Việt cho hay.
Sự khác nhau về thời điểm lấy máu là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng âm tính nhưng vẫn mắc sốt xuất huyết. Khi xét nghiệm công thức máu vào 1-2 ngày đầu tiên, lượng virus trong máu chưa nhiều nên một số trường hợp cho kết quả âm tính. Hay người bệnh làm xét nghiệm ở ngày thứ 5-6, giai đoạn virus trong máu đã giảm thì cũng có thể cho kết quả âm tính.
Sốt xuất huyết có thể tái phát nhiều lần. Khi trẻ bị tái nhiễm thường có diễn biến lâm sàng nặng hơn bởi hệ miễn dịch đã có phản ứng một phần của type Dengue mắc bệnh trước đó.
Đa số 90% người bệnh sốt xuất huyết có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhi cần phải theo dõi các dấu hiệu bất thường để nhập viện kịp thời. Điều trị muộn khi có biến chứng thì tỷ lệ tử vong rất cao.
BS. Việt lưu ý, sốt xuất huyết hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị, chỉ điều trị triệu chứng nên việc phòng bệnh cực kỳ quan trọng. Sốt xuất huyết lây qua trung gian là muỗi vằn nên cần phải diệt muỗi, diệt lăng quăng, tránh muỗi đốt bằng cách ngủ màn, mặc áo quần dài, không chơi góc tối...
Khi trẻ bị sốt hơn 24h cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, xét nghiệm, dặn dò các dấu hiệu nặng để tái khám kịp thời. Phụ huynh phải cho trẻ nghỉ ngơi, uống nhiều nước, không kiêng ăn. Tránh thực phẩm có màu nâu, đỏ để không nhầm lẫn với máu khi nôn ói. Phụ huynh cần có kiến thức về bệnh sốt xuất huyết để biết cách theo dõi, chăm sóc trẻ tại nhà.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu