Lễ ký kết là một sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến về “Chuyển đổi số và định hướng xây dựng tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với gần 800 điểm cầu kết nối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, các Tòa án quân sự, các Sở TT&TT trên toàn quốc.
Chương trình phối hợp được ký kết giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ cùng phối hợp thực hiện một số nội dung nhiệm vụ như:
Xây dựng, tạo lập nền tảng pháp lý cho việc triển khai hoạt động tố tụng trên nền tảng công nghệ số và hoàn thiện chính sách pháp luật phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xử lý kịp thời các thách thức đặt ra đối với hệ thống tư pháp trong thời kỳ mới.
Xây dựng, hoàn thiện Đề án và Chương trình tổng thể về chuyển đổi số và xây dựng Toà án điện tử; Khung kiến trúc Tòa án điện tử phù hợp theo định hướng Khung Chính phủ điện tử cho Tòa án nhân dân tối cao; khung kiến trúc hạ tầng số áp dụng cho các Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Tư vấn, góp ý các quy trình và các văn bản hướng dẫn, văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử.
Hỗ trợ, giúp Tòa án Nhân dân Tối cao trong việc xây dựng, triển khai áp dụng thống nhất hệ thống Trợ lý ảo; hệ thống chuyển đổi giọng nói sang văn bản; hệ thống đoán định tư pháp cho Tòa án các cấp.
Xây dựng hệ thống mạng WAN và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cho hệ thống Tòa án.
Chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ và nguồn lực, nhân lực triển khai các hoạt động chuyển đổi số Tòa án; xây dựng, vận hành Tòa án điện tử đúng kế hoạch đề ra đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Thúc đẩy việc kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống cơ sở dữ liệu của các Bộ ngành với hệ thống cơ sở dữ liệu của Tòa án, hình thành mô hình liên hiệp định danh quốc gia, tận dụng tối đa các hình thức xác thực điện tử để phục vụ xây dựng hệ thống tố tụng điện tử.
Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động truyền thông, tuyên truyền sâu rộng đến mọi người dân về các hoạt động chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử; xử lý, ngăn chặn các thông tin xấu, độc trái quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng đến hoạt động của Tòa án trên không gian mạng theo đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao.
Hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực ứng dụng CNTT, an toàn, an ninh mạng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT và cán bộ, công chức trong hệ thống Tòa án nhân dân; bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật theo yêu cầu cho cán bộ, công chức Bộ TT&TT.
Về việc tổ chức thực hiện các nội dung ký kết, hai bên thống nhất giao đơn vị chuyên trách CNTT của Tòa án Nhân dân Tối cao và Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT là đầu mối giúp việc cho Lãnh đạo hai bên tổ chức triển khai và tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện các nội dung của Chương trình phối hợp.
Đồng thời hai đơn vị đầu mối có trách nhiệm xây dựng Kế hoạch thực hiện các nội dung phối hợp cụ thể và trình Lãnh đạo hai bên phê duyệt trước ngày 15/1 hàng năm; xây dựng và trình Lãnh đạo hai bên phê duyệt kế hoạch thực hiện cho năm 2021 trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký Chương trình.
Sở TT&TT các tỉnh, thành phối hợp với Tòa án nhân dân cấp tỉnh triển khai các nội dung thuộc Chương trình theo sự chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ TT&TT và Tòa án Nhân dân Tối cao; hỗ trợ Tòa án nhân dân các tỉnh thành triển khai các dự án CNTT có sử dụng ngân sách địa phương.
Theo định kỳ 6 tháng/lần, Thủ trưởng các đơn vị đầu mối của hai Bên có trách nhiệm tổ chức cuộc họp trao đổi thông tin về kết quả thực hiện, góp ý về các vấn đề có liên quan đến kết quả thực hiện các nội dung phối hợp để rà soát, kiểm tra, đôn đốc triển khai các hoạt động; tổng hợp tình hình triển khai theo Kế hoạch hàng năm đã được phê duyệt và báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ TT&TT kết quả thực hiện Chương trình phối hợp.
Lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao và Lãnh đạo Bộ TT&TT tổ chức họp sơ kết hàng năm để đánh giá kết quả thực hiện; kiểm điểm, rút kinh nghiệm để thực hiện cho năm tiếp theo và tổ chức tổng kết Chương trình phối hợp cho cả giai đoạn.