Còn nhiều bất cập
Theo ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), dự thảo Luật ANM đã được thảo luận tại một kỳ họp Quốc hội và một kỳ họp đại biểu chuyên trách. Theo đó, đối tượng trực tiếp bị điều chỉnh là doanh nghiệp an ninh mạng, doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech) và doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) sẽ có nhiều chi phí phát sinh với doanh nghiệp như giấy phép, chứng nhận sản phẩm, báo cáo định kỳ, xác thực thông tin tài khoản số...
Bà Lim May-Ann - Giám đốc điều hành ACCA đề cập đến một thực tế về địa phương hóa dữ liệu (bắt buộc phải đặt máy chủ ở nước sở tại) ở Indonesia và cho biết, quy định này khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó tuân thủ. CNTT cũng vì thế mà khó phát triển vì không có đủ tiền để tuyển chuyên gia theo quy định. Chính vì thế, nền kinh tế số của Indonesia không thể phát triển như mong muốn.
Vẫn theo bà Lim May Ann, kinh tế số cần được tạo điều kiện mà không mất đi sự kiểm soát. Bà cũng đề cập là tại Thái Lan và Singapore đã thành lập Bộ Kinh tế số để có thể quản lý doanh nghiệp phù hợp với thực tiễn. Qua thực tế này, Việt Nam nên tự hỏi lại mình để có cách thức quản lý phù hợp hơn.
Ông Rick Yvanovich - nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Công ty TRG International cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm một tỷ trọng rất lớn và điện toán đám mây (ĐTĐM) chính là giải pháp thuận lợi không chỉ với doanh nghiệp nhỏ và vừa. ĐTĐM tạo kết nối thuận tiện cho doanh nghiệp và cũng không cần phải đầu tư nhiều về con người và trang thiết bị. Ông cũng đề cập là ANM rất phức tạp và các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ không có đủ sức đầu tư cho mình.
Tiếp tục thảo luận về kinh nghiệm quốc tế và khung pháp lý cho quản lý ANM tại Việt Nam, ông Joshua Meltzer ở Viện Brookings cho biết, tỷ lệ người dân tiếp cận Internet ở nhiều nước Châu Á đã rất cao. Và khi tỷ lệ người dùng Internet tăng 10% thì xuất khẩu có thể tăng 1%. Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT) đã làm thay đổi thương mại quốc tế. Chính thương mại điện tử đã góp phần giúp Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu Vì thế, Việt Nam phải khai thác thế mạnh của kinh tế số cho mục tiêu xuất khẩu của mình.
Luật sư Seck Yee Chung - Công ty luật Baker & McKenzie đề cập, việc phải làm rõ các khái niệm như bảo vệ thông tin riêng tư và khẳng định thông tin số là dịch vụ xuyên biên giới. Vì thế, các quốc gia cần có sự cởi mở về an ninh thông tin và tuân thủ các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Lắng nghe các ý kiến tại hội thảo, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh cho biết, thực tế của việc xây dựng pháp luật giao cho các bộ ngành khiến không kết hợp được lẫn nhau và thiếu khách quan. Dự thảo Luật ANM và Luật ATTT có gần 10 điều giống nhau. Theo bà, cần phải tiếp tục lên tiếng để thay đổi những hạn chế, bất cập trong việc xây dựng pháp luật tại Việt Nam, cần đảm bảo quyền của người dân và doanh nghiệp. Bà mong muốn Ban tổ chức hội thảo chính thức có văn bản đóng góp ý kiến xây dựng với Quốc hội… Bên cạnh đó, nên tập hợp ý kiến gửi Ủy ban Quốc phòng An ninh Quốc hội để thấy có thể tiếp thu…