Xây dựng 4 phương thức tuyển sinh cho năm 2017

VietTimes -- Đó là 4 phương thức tuyển sinh trong Dự thảo phương án tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học năm 2017 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố.
Việc tuyển sinh năm 2017 cần đáp ứng tối đa nguyện vọng của thí sinh- (Ảnh minh họa).
Việc tuyển sinh năm 2017 cần đáp ứng tối đa nguyện vọng của thí sinh- (Ảnh minh họa).

Theo Bộ GD&ĐT, công tác tuyển sinh năm 2016 vẫn còn một số bất cập cần tiếp tục khắc phục như tỷ lệ thí sinh ảo cao khiến các trường gặp khó khăn trong xác định điểm chuẩn, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh mới chỉ dựa vào năng lực đào tạo của trường, chưa căn cứ vào nhu cầu thực tế của xã hội và chưa làm tốt công tác dự báo thị trường lao động để định hướng tuyển sinh các ngành nghề.

Vì vậy, trong đợt tuyển sinh năm 2017 cần tiếp tục điều chỉnh một số nội dung để đảm bảo phù hợp, hiệu quả hơn trong quy chế tuyển sinh để đảm bảo chất lượng đầu vào, đảm bảo quyền lợi người học và việc tuyển sinh được thực hiện công bằng.

Trong Dự thảo phương án tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học năm 2017 Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra 4 phương thức chủ yếu xét tuyển ĐH, CĐ như sau:

1. Xét tuyển dựa vào kết quả các bài thi THPT quốc gia 

Các trường công bố công khai tổ hợp các bài thi, môn thi của Kỳ thi THPT quốc gia được sử dụng để xét tuyển vào các ngành của trường trước khi thí sinh đăng ký dự thi. Sau khi có kết quả thi, thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển vào ngành/trường ĐH, CĐ và được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.

Bộ GDĐT sử dụng phần mềm lọc ảo để xác định danh sách thí sinh trúng tuyển với nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký xét tuyển. Danh sách này được gửi đến các trường để tư vấn, hỗ trợ cho các trường trong xử lý vấn đề thí sinh ảo.

Các trường có thể cân đối, điều chỉnh dựa vào các điều kiện thực tế của trường đã nêu trong đề án tự chủ tuyển sinh để quyết định danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức. Đây là giải pháp hỗ trợ kỹ thuật nhằm khắc phục bất cập tỉ lệ thí sinh ảo gia tăng khi thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng vào các ngành/trường.

Thí sinh nộp Giấy chứng nhận kết quả thi trong thời hạn quy định của trường để khẳng định nhập học tại trường. Trường cập nhật danh sách thí sinh đã khẳng định nhập học lên hệ thống quản lý dữ liệu chung.

Việc xét tuyển có thể được thực hiện nhiều đợt trong thời gian quy định của kỳ tuyển sinh và theo yêu cầu của các trường.

2. Sơ tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc dựa vào kết quả học tập ở THPT kết hợp với thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh.

Ngoài việc sử dụng kết quả thi THPT quốc gia hoặc kết quả học tập ở THPT để sơ tuyển, các trường có thể tổ chức thi năng khiếu, thi đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh (nếu thấy cần thiết) với các hình thức phù hợp, đảm bảo không gây ra tình trạng luyện thi tràn lan, không gây vất vả, tốn kém cho thí sinh.

Các trường phải công khai đề thi minh họa của bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, phương thức thi (trắc nghiệm hay tự luận), cách tính điểm xét tuyển từ kết quả THPT và kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt.

3. Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT 

Các trường thông báo cụ thể điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT (lớp 12 hoặc cả 3 năm THPT). Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển theo yêu cầu của trường được quy định trong đề án tự chủ tuyển sinh đã được công bố công khai.

4. Phối hợp nhiều phương thức tuyển sinh

Các trường có thể chọn một hoặc kết hợp nhiều phương thức tuyển sinh nêu trên và quy định rõ trong đề án tự chủ tuyển sinh; đồng thời, công bố công khai chỉ tiêu xét tuyển đối với mỗi phương thức tuyển sinh.