Lương chưa tăng, giá đã trượt
Trước thông tin tăng giá xăng, chị Hồng Anh - ở phố Chùa Láng (Hà Nội) - lo lắng: “Lương chưa tăng mà giá cả đầu vào đã tăng “vèo vèo”, rồi đi chợ lại có cảm giác như bị móc túi từ mớ rau, con cá cũng lên giá... theo xăng”. Chị Nguyễn Thu Hương - giáo viên cấp III quận Thanh Xuân (Hà Nội) - chia sẻ: “Với đồng lương giáo viên ít ỏi, tôi thực sự không biết tới đây sẽ phải thắt chặt chi tiêu thế nào. Trước Tết Nguyên đán, giá xăng mấy lần điều chỉnh giảm, nhưng giá tiêu dùng, sinh hoạt vẫn tăng đều”.
Lo ngại tăng giá là tâm trạng chung của các bà nội trợ dù đại diện Bộ Công Thương và các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối khi được hỏi đều khẳng định: “Đã tính toán rất kỹ mức điều chỉnh giá xăng để không gây tác động lớn đến giá cả hàng hoá và tâm lý người tiêu dùng. Đại diện Bộ Công Thương - cho biết, nếu theo chu kỳ tính giá thì giá xăng phải tăng tới 3.400-3.500đ/lít, song liên bộ: Công Thương - Tài chính đã yêu cầu DN đầu mối giảm trích quỹ bình ổn giá để chỉ tăng giá xăng ở mức từ 1.410-1.610 đ/lít, khống chế mức bán lẻ tối đa với xăng RON 92 là 17.286đ/lít, mức tăng dầu hỏa không quá 900đ/lít, dầu diesel tăng 700đ/lít và dầu madut tăng 900đ/kg.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN - cảnh báo: “Giá xăng dầu giảm sâu mà giá cước vận tải, hàng hoá không giảm tương ứng thì đừng hy vọng khi giá xăng dầu, giá điện đồng loạt tăng, giá các loại hàng hoá “đứng im”. Lương dự kiến tăng khoảng 8% từ 1.4 nhưng với đà này, lương chưa tăng thì giá đã tăng khiến việc tăng lương chẳng còn ý nghĩa nữa”.
CPI có tăng trở lại?
Thông tin giá xăng dầu tăng cùng lúc với giá điện sẽ tăng 7,5% là đòn đau với các DN trong bối cảnh sức mua sau tết đang hết sức èo uột. Đại diện một siêu thị điện máy ca thán: “Điện chiếm tới 15% trong chi phí bán hàng của Cty, tăng giá 7,5% là giá bình quân thôi, còn với điện kinh doanh thì phải tăng gấp đôi, thậm chí giờ cao điểm còn tăng hơn nữa. Với mức tiền điện một tháng tới vài chục triệu đồng, trong khi đầu ra phải cạnh tranh rất mạnh, phải tìm giảm chi phí mới mong tiêu thụ được hàng thì chúng tôi có khi phải “ăn” cả vào vốn”.
Ông Phạm Chí Cường - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép VN - cho biết: Mức tiêu hao điện cho 1 tấn thép hiện khoảng 600kW, tính ra tiền điện chiếm khoảng 7% giá thành sản xuất thép. Nếu điện tăng giá bình quân 7,5%, giá thành thép sẽ tăng khoảng 80.000-90.000đ/tấn, tương ứng 0,7% giá thép. Tiêu thụ thép từ đầu năm đến nay vô cùng ế ẩm, lại thêm thép Trung Quốc, thép Nhật tràn vào, nên giá thép sẽ không thể tăng được. Chỉ còn cách tiết giảm chi phí và sản xuất vào giờ thấp điểm để qua đợt khó khăn này.
Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội - ông Vũ Vinh Phú - khẳng định: “Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, đợt tăng giá này sẽ khiến CPI tăng khoảng 0,26%, nhưng tôi cho rằng chắc chắc CPI sẽ không chỉ dừng ở mức này. Thêm vào đó, trong rổ tính CPI chỉ thống kê khoảng 500 mặt hàng, trong khi trong đời sống có tới hàng nghìn mặt hàng. Vì thế, trên thực tế, DN, người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với khó khăn khi giá cả hàng hoá leo thang.
Theo Lao động