Giá vé máy bay thấp hơn các phương tiện khác
Thời gian qua, giá dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh, tính đến cuối tháng 12/2015, giá dầu chỉ còn ở mức hơn 30 USD/thùng.
Trong nước, lần điều chỉnh giá xăng dầu mới đây của liên Bộ Tài chính – Công thương, giá xăng dầu trong nước cũng đã tiếp tục giảm.
Trước việc giảm giá của xăng dầu, nhiều hãng taxi, vận tải trong nước cũng đã tiến hành giảm giá vé cho hành khách.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, giá vé máy bay lại không thấy có động tĩnh giảm giá mà vẫn ở mức cao.
Điều này, khiến cho nhiều người đặt câu hỏi về sự công bằng trong điều hành giá vé giữa các loại hình vận tải và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Trước vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, đại diện hãng hàng khôngVietjet Air cho rằng, chi phí xăng dầu chiếm một tỷ trọng khoảng 40% trong tổng chi phí của hãng.
Và khi giá xăng dầu giảm cũng có những tác động tích cực, góp phần cải thiện chênh lệch với doanh thu trong bối cảnh cạnh tranh và đặc thù của hàng không nội địa.
Tuy nhiên, không có chuyện giá vé không giảm mà thực tế, giá vé máy bay hiện nay so với một số phương tiện khác như đường sắt, ô tô... đã rẻ hơn rất nhiều.
"Không tính việc đặt cận ngày, giờ mà tính cho việc đặt trước thì giá vé máy bay từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội đi Đà Nẵng đã rẻ hơn rất nhiều so với các phương tiện khác như đường sắt, ô tô...", vị này nói.
Còn theo đại diện hãng hàng không Jestar thì chi phí xăng dầu hiện chiếm 42% tổng chi phí của hãng và việc giá xăng dầu giảm cũng là tín hiệu tốt.
Tuy nhiên, theo vị này, đối với các lĩnh vực vận tải khác, giá vé thưởng được tính ở mức cố định bao gồm tổng chi phí và tỉ lệ phần trăm lợi nhuận.
"Riêng lĩnh vực hàng không, hiện nay các Hãng đang áp dụng nhiều mức giá vé từ thấp đến cao, giá vé cao nhất là theo mức trần quy định của cơ quan chức năng
Trong thực tế, thời gian qua giá nhiên liệu giảm thì các hãng hàng không cũng liên tục mở nhiều loại vé giá rẻ, các đợt khuyến mại để kích thích nhu cầu.
Vì vậy, việc giảm giá vé trong hàng không thường khó nhận thấy so với các lĩnh vực khác như taxi...", vị này cho hay.
Hai máy bay Vietnam Airlines và VietJet Air đang trên đường lăn ở sân bay - Ảnh minh họa.
Vị này cũng lấy ví dụ mỗi hãng có 12 mức giá phân bổ vé từ 550.000 đồng - 3 triệu đồng. Giá rẻ bán trước, giá cao bán sau.
Tổng các mức giá sau khi bán được sẽ tính theo giá bình quân, đây có thể coi là mức giá của các hãng.
"Ví dụ 1 vé 100.000 đồng và một vé 3 triệu thì bình quân của 2 vé là 1,5 triệu đồng. Vì vậy, để giảm giá theo kiểu 'lấy lệ" thì không khó, kiểu như đang bán 3 triệu giảm xuống 2,5 triệu đồng.
Tuy nhiên thực tế là giá vé bình quân của các hãng thu về đều thấp hơn nhiều so với việc giảm giá kiểu này.
Lý do là việc phân bố giá vé từ thấp đến cao theo cơ cấu chô trên máy bay, sau đó tính bình quân mức giá thu về được bao nhiêu
Do đó, khi các loại giá rẻ được bán nhiều thì loại vé giá cao ít đi nhưng người mua sát giờ bay, cao điểm thường nhìn thấy giá cao trong khi những người mua sớm có giá rẻ.
Ví dụ ngày cao điểm tết, có người mua vé máy bay giá 3 triệu, nhưng cũng máy bay đó sau khi từ Tp.Hồ Chí Minh ra Hà Nội và chuyến bay ngược lại từ Hà Nội về Tp.Hồ Chí Minh giá vé chỉ có 500.000 đồng.
Tính bình quân lại của chuyến bay khứ hồi giá vé chỉ 1 triệu 750.000 đồng, thậm chí số người mua vé chiều thấp điểm không nhiều dẫn đến giá vé bình quân thấp hơn", vị này giải thích.
Còn đại diện Vietnam Airlines thì cho rằng, việc giá xăng tăng hay giảm được xem xét trong cả năm hoạt động. Khi giá xăng dầu giảm, hãng cũng điều chỉnh phụ thu xăng dầu cho phù hợp.
Song, việc điều chỉnh sẽ căn cứ vào các yếu tố: xu hướng giảm là dài hạn hay tạm thời, giá dầu thô vào thời điểm hãng đặt mua (thông thường là trước đó nhiều tháng) và tương quan chung so với các hãng hàng không khác trên thị trường.
Vị này cũng cho hay, Vietnam Airlines đang thu theo mặt bằng của các hãng khác và sẽ xem xét khi các hãng có điều chỉnh. Với các đường bay nội địa, hãng không thu phụ thu nhiên liệu.
Phải dựa trên đề xuất của Bộ GTVT
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho rằng việc xem xét giảm trần giá vé máy bay phải dựa trên đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, sau đó, các bên sẽ bàn và đưa ra quyết định cuối cùng.
Còn ông Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết:
“Hiện nay, không có cơ chế nào để buộc các hãng hàng không phải điều chỉnh giá giảm khi giá xăng dầu “hạ nhiệt” cả, không giống như ngày xưa, Nhà nước điều hành giá thì mới quyết định được”.
Ông Vương Ngọc Tuấn.
Theo ông Tuấn giải thích, giá cả là do các hãng, các công ty bán hàng quyết định.
“Anh bán hàng đắt thì không ai đi bởi sản phẩm chất lượng nhưng giá cả phải phù hợp.
Cũng giống như các hãng taxi, người tiêu dùng phản đối nhiều thì các hãng này mới xem xét, cân đối lại về giá để điều chỉnh, chứ luật doanh nghiệp không bắt buộc được theo khung pháp luật”, ông Tuấn nói.
Liên quan tới việc các hãng hàng không giảm giá không đáng kể so với nhu cầu và túi tiền của người dân, ông Tuấn bình luận: “
Có thể người ta lợi dụng lúc này khi đông người đi và lượng vận chuyển có hạn, người ta “độc quyền” không tăng giá nhưng đó cũng là cơ chế thị trường”.
Tuy vậy, đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng nhấn mạnh, một doanh nghiệp phải thể hiện trách nhiệm xã hội của mình đối với người tiêu dùng.
“Các hãng hàng không phải đưa ra sản phẩm chất lượng nhưng giá cả phải hợp lý, nhất là khi chi phí đầu vào giảm thì phải giảm giá một cách tương ứng, phù hợp.
Người tiêu dùng trên cơ sở đó có quyền lựa chọn”, ông Tuấn kết luận.
Theo Trí thức trẻ