WHO khuyến nghị Việt Nam áp mức thuế cao nhất với thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

"Hệ thống thuế thuốc lá hiện tại của Việt Nam chưa phù hợp với các thông lệ quốc tế tốt nhất do WHO khuyến nghị. Do đó, cải cách thuế thuốc lá để nâng cao sức khỏe và phát triển bền vững tại Việt Nam" - WHO khuyến cáo.

WHO hôm qua (16/10) đã công bố bản Tư vấn chính sách với tiêu đề “Cải cách thuế thuốc lá để nâng cao sức khỏe và phát triển bền vững tại Việt Nam” dựa trên các bằng chứng quốc tế và sử dụng mô hình mô phỏng tác động thuế để đánh giá tác động của các lựa chọn thuế khác nhau đối với sức khỏe và nền kinh tế của Việt Nam.

Bản tư vấn chính sách khuyến nghị mạnh mẽ việc cần tăng đáng kể thuế thuốc lá nhằm giúp Chính phủ đạt được các mục tiêu đã đặt ra về sức khỏe cho người dân và sự phát triển của đất nước.

VT_ BV Phoi.jpg
Số người hút thuốc mắc ung thư phổi gia tăng

Thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam cực kỳ thấp

Theo WHO, với tỷ lệ 41% nam giới trưởng thành đang hút thuốc và hơn 15 triệu người hút thuốc ở Việt Nam, đã tạo ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm nghiêm trọng và ngày càng tăng.

Cùng với đó là các tổn thất đáng kể về chi phí y tế và thiệt hại kinh tế, ước tính lên tới 108 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,14% GDP/năm.

Việc sử dụng thuốc lá cao ở nam giới làm suy yếu lực lượng lao động, dẫn đến tổn thất về năng suất và sản lượng của nền kinh tế, và làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng kinh tế mà một số nhóm nghèo và thiệt thòi nhất đang phải chịu.

WHO nhấn mạnh: Đây đều là những tổn thất có thể tránh được, nhưng nếu không có hành động kịp thời, chúng ta sẽ phải trả giá bằng mức độ thịnh vượng ở hiện tại và tương lai của Việt Nam. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao sẽ đe dọa khả năng đạt được các mục tiêu y tế quốc gia, các cam kết của Việt Nam đối với các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) về y tế, cũng như khát vọng đạt được vị thế quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Yếu tố quan trọng dẫn tới tình trạng sử dụng thuốc lá vẫn ở mức cao như hiện nay là thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam cực kỳ thấp so với các nước thu nhập trung bình khác trên thế giới cũng như ngay trong khu vực ASEAN.

Có hai lý do chính khiến thuế thuốc lá chưa được áp dụng hiệu quả ở Việt Nam.

Đầu tiên, đó là hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ giá bán thuần túy hiện nay khuyến khích thuốc lá giá rẻ, khiến cho thanh, thiếu niên dễ dàng mua và hút thuốc.

Thứ hai, mức tăng thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam trong thời gian qua là quá thấp so với mức tăng trưởng thu nhập theo đầu người, làm cho thuốc lá trở nên ngày càng rẻ và dễ mua hơn.

Cải cách chính sách thuế thuốc lá của Việt Nam có thể làm giảm đáng kể các tác hại của thuốc lá đối với sự phát triển kinh tế và xã hội, từ đó sẽ mang lại những lợi ích kinh tế và xã hội đáng kể.

VT_BV Phoi 1.JPG
Số người mắc bệnh phổi do hút thuốc lá điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương tăng cao

Nâng thuế thuốc lá để bảo vệ sức khỏe và phát triển bền vững

Trưởng đại diện của WHO tại Việt Nam, Tiến sĩ Angela Pratt, cho biết: “Những cải cách chính sách về thuế thuốc lá có thể giảm đáng kể các tác động có hại của thuốc lá đối với sự phát triển kinh tế và xã hội, đồng thời mang lại lợi ích đáng kể cho quốc gia”.

“Hệ thống thuế thuốc lá hiện tại của Việt Nam chưa phù hợp với các thông lệ quốc tế tốt nhất do WHO khuyến nghị.

Cải cách hệ thống thuế thuốc lá ở Việt Nam là biện pháp cùng thắng: Thắng cho sức khỏe cộng đồng và thắng cho nguồn thu ngân sách để đầu tư vào các ưu tiên của Chính phủ”.

Theo WHO, thuế thuốc lá (tính theo phần trăm giá bán lẻ) của Việt Nam thấp hơn hầu hết các nước ASEAN; Giá tương đối theo tỷ lệ thu nhập đã giảm theo thời gian, làm cho thuốc lá ngày càng dễ mua hơn; Tỷ lệ hút thuốc trong nam giới trưởng thành giảm chậm, không đủ để đạt các mục tiêu y tế. Gần đây có dấu hiệu tăng tiêu thụ; Những người trẻ tuổi có thể dễ dàng tiếp cận với thuốc lá giá rẻ, bắt đầu con đường nghiện sớm và khiến họ có nguy cơ mắc bệnh và tử vong sớm do thuốc lá, những hậu quả mà lẽ ra hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Nguồn thu từ thuế thuốc lá đang tụt hậu so với mức tổn thất về sức khỏe và kinh tế do thuốc lá gây ra.

Theo xu hướng tỷ lệ hút thuốc hiện nay, Việt Nam sẽ không đạt được các mục tiêu quốc gia cũng như mục tiêu SDG về giảm hút thuốc lá, và khoảng cách sẽ ngày càng nới rộng nếu không áp dụng can thiệp thuế trong những năm tới.

Thuế thuốc lá nên áp mức cao nhất

WHO khuyến nghị, Việt Nam áp dụng một hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp với thuốc lá, bằng cách bổ sung thuế tuyệt đối trên mức thuế theo tỷ lệ hiện có, nhằm giảm tiêu thụ thuốc lá và tăng nguồn thu cho ngân sách.

Thuế tuyệt đối nên được áp ở mức cao tối ưu nhất có thể, nhưng không dưới 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và 15.000 đồng/bao vào năm 2030.

WHO khuyến cáo rằng: Thuế thuốc lá tuyệt đối nên được tăng một cách thường xuyên, với mức tăng tương đương với mức lạm phát và mức tăng thu nhập, để ngăn chặn sự bắt đầu hút thuốc lá của thanh thiếu niên. Hơn nữa, cũng cần cân nhắc mức thuế tuyệt đối cao hơn nữa để có thể đạt được các mục tiêu của Chương trình Sức khỏe Việt Nam và mục tiêu SDG vào năm 2030.

Bằng chứng toàn cầu cho thấy tăng thuế thuốc lá không tác động tiêu cực đến việc làm cũng như với nền kinh tế. Ngược lại, việc tăng thuế thuốc lá khiến người tiêu dùng ưu tiên chi cho các hàng hóa và dịch vụ khác, tạo ra nhiều việc làm hơn, tác động tích cực đến nền kinh tế. Tăng thuế thuốc lá cũng không dẫn đến gia tăng buôn lậu thuốc lá khi có quản trị và chống buôn lậu mạnh mẽ.

Việc thực hiện hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp ở mức cao là một chiến lược dựa trên bằng chứng sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt được tầm nhìn về phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững.