Theo quy tắc mới, một tin nhắn trên WhatsApp sẽ chỉ được chuyển tiếp tối đa 5 lần. Nếu một người dùng nhận được một tin nhắn đã bị chuyển tiếp thường xuyên - đã bị chuyển tiếp quá 5 lần, họ chỉ có thể gửi chúng đến một cuộc trò chuyện duy nhất trong một khoảng thời gian.Giới hạn chỉ bằng 1/4 giới hạn trước đó, được hãng áp đặt vào năm 2019.
Với việc siết chặt việc chuyển tiếp tin nhắn, công ty hy vọng có thể làm giảm sự lan truyền của một số thông tin sai lệch trên nền tảng của hãng. Động thái này được đưa ra sau khi có thuyết âm mưu xuất hiện trên WhatsApp cho rằng mạng di động 5G là nguồn gốc phát tán Covid-19. Tin đồn thất thiệt này đã khiến một số đối tượng cực đoan đốt cháy hơn 20 cột phát sóng di động ở Anh.
“Chúng tôi nhận thấy rằng có sự gia tăng đáng kể về số lượng tin nhắn chuyển tiếp, điều này có thể tiếp tay cho việc truyền bá thông tin sai lệch”, một phát ngôn viên của WhatsApp cho biết trên một blog vào sáng thứ Ba.
“Chúng tôi tin rằng điều quan trọng là làm giảm sự lan truyền của những tin nhắn này để giữ cho WhatsApp trở thành một nền tảng trò chuyện cá nhân”.
Vì WhatsApp sử dụng công nghệ mã hóa đầu cuối nên công ty không thể biết được nội dung của các tin nhắn được gửi trên nền tảng. Điều này khiến hãng không thể sử dụng các chính sách kiểm duyệt giống như Facebook hay Twitter, có thể gỡ bỏ nội dung độc hại bị gắn cờ vi phạm.
Vào năm 2018, người dùng WhatsApp có thể chuyển tiếp một tin nhắn tới 250 lần nhưng sau đó hãng đã giới hạn xuống còn 20 lần chuyển tiếp vào năm 2019 và đến hiện tại là không quá 5 lần. WhatsApp cho biết biện pháp này đã phát huy tác dụng khi giảm được 25% số lượng tin nhắn chuyển tiếp trên toàn cầu.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nền tảng mạng truyền thông xã hội trong đó có WhatsApp bị cáo buộc để lan truyền tin tức giả liên quan đến dịch bệnh. Tháng trước, CNN và một số hãng tin đã phát hiện ứng dụng này được sử dụng để truyền bá nhiều mẩu tin không đúng sự thật về cách chữa Covid-19 và các tin đồn thất thiệt về các hoạt động quân sự có liên quan đến dịch bệnh.
Phản ứng trước các vấn đề này, WhatsApp đã ra mắt một bot do Tổ chức Y tế Thế giới thực hiện, cung cấp thông tin về đại dịch đã được kiểm chứng bởi các chuyên gia y tế. Tính năng này đã được hơn 10 triệu người sử dụng. WhatsApp cũng đóng góp 1 triệu USD cho "Mạng lưới kiểm tra tin tức quốc tế".
Theo MSN