Vụ YouTube xuất hiện clip game tự sát Momo: Chuyên gia cảnh báo khẩn các phụ huynh

Trước sự 'bủa vây' của trò chơi nguy hiểm như Momo hướng dẫn tự sát, các phụ huynh hãy quan tâm hơn tới con cái, cùng tìm hiểu, phân tích những mối nguy hiểm có thể xảy ra và đưa cho con lời khuyên.

Hình ảnh nhân vật ám ảnh trong game hướng dẫn tự sát Momo xuất hiện trên YouTube.

Như ICTnews đã đưa, vài ngày gần đây nhiều bậc phụ huynh tỏ ra lo lắng khi YouTube xuất hiện clip hướng dẫn chơi game có nội dung ghê rợn có tên "Thử thách Momo". Cụ thể, nhân vật ghê rợn là một người phụ nữ đầu người mình gà với mái tóc đen, làn da nhợt nhạt, mắt lồi hướng dẫn người chơi cách tự làm hại bản thân, xúi giục tự sát.

Trong thực tế, game này đã được giới truyền thông cảnh báo từ năm 2018 nhưng gần đây lại xuất hiện trên YouTube dưới dạng clip đề xuất cho người dùng xem.

Liên quan đến vấn đề nói trên, trao đổi với ICTnews, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững bày tỏ, những rủi ro trên Internet rất khó lường và ngày càng có nhiều trò chơi nguy hiểm như “Thử thách cá voi xanh” (hướng dẫn người chơi tự sát qua smartphone), hay trò chơi với xu hướng nguy hiểm tương tự là "Thử thách Momo".

Từ kinh nghiệm nghiên cứu qua trường hợp game “Thử thách cá voi xanh”, bà Linh cho rằng nếu bảo trẻ đừng tham gia hay đừng chơi game này sẽ rất khó khăn, do trẻ có thể vì tò mò mà chơi thử. Chính vì thế, vấn đề quan trọng là phải nâng cao ý thức của trẻ, để trẻ tự ra quyết định xem trò chơi đó có gây hại không và không tham gia.

“Tôi cho rằng trong việc ngăn chặn những trò chơi như thế này cần có sự tham gia của rất nhiều bên liên quan, nhất là gia đình và nhà trường – những người gần trẻ em, có cơ hội hỏi trẻ hàng ngày để biết trẻ có tham gia, bị lôi kéo vào trò chơi nguy hiểm hay không. Các phụ huynh hãy tìm cách đưa ra cho con lời khuyên, cùng con tìm hiểu, phân tích những mối nguy hiểm có thể xảy ra”, bà Linh nhấn mạnh.

Liên quan đến vai trò của cơ quan chức năng, bà Phương Linh cho rằng trước nguy cơ trẻ bị tấn công bởi những trò chơi nguy hiểm trên mạng, cơ quan chức năng và doanh nghiệp công nghệ phải cùng vào cuộc hỗ trợ ngăn chặn, cung cấp thông tin truyền thông cho cộng đồng rộng rãi để mọi người có thể biết được, hỗ trợ trẻ một cách tốt nhất.

Trao đổi về các mối nguy hiểm trẻ em phải đối mặt trên môi trường mạng, bà Trần Thị Diệu Thúy, đại diện Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận địnhu rằng môi trường mạng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trẻ dễ tiếp xúc với nội dung bạo lực, nhạy cảm, tiếp xúc nội dung xúi giục tự tử, hành vi tiêu cực khác.

Doanh nghiệp kinh doanh, cung cấp dịch vụ mạng phải có biện pháp bảo vệ người sử dụng là trẻ em; cảnh báo hoặc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin, dịch vụ giả mạo, xuyên tạc xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ, phải có công cụ kiểm soát thời gian, độ tuổi trẻ em sử dụng.

Bên cạnh đó, tiếp nhận thông tin, đánh giá, phân loại mức độ an toàn cho trẻ em. Công bố danh sách các mạng thông tin, dịch vụ, sản phẩm trực tuyến theo mức độ an toàn đối với trẻ.

“Bên cạnh đó cần bảo đảm việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em, đồng thời cơ quan công an thực hiện đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ, can thiệp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”, bà Thúy nói.

Trao đổi thêm với ICTnews, bà Phương Linh cho rằng có thể phát động các chiến dịch bàn về rủi ro của Internet để trẻ ý thức được vai trò của mình. Như tại nước ngoài, để ngăn chặn trò chơi nguy hiểm “Thử thách cá voi xanh” đã xuất hiện chiến dịch “Thử thách cá voi hồng” đi theo định hướng cho trẻ mỗi ngày làm một việc tốt trên Internet, đẩy lùi cái bóng u ám của “Thử thách cá voi xanh”.

Ngoài ra, phương pháp giáo dục trẻ cũng phải sáng tạo, thân thiện như đưa vào sử dụng game giúp trẻ xử lý những tình huống gặp phải hàng ngày. Rồi truyện tranh, cuộc thi vẽ tranh về những mặt lợi, mặt hại của môi trường Internet.

Theo ICT News

https://ictnews.vn/internet/xa-hoi/vu-youtube-xuat-hien-clip-game-tu-sat-momo-chuyen-gia-canh-bao-khan-cac-phu-huynh-179598.ict