+, Thưa luật sư, Bộ Y tế nhiều lần gửi văn bản tới Tòa án để diễn giải về khái niệm hàng hóa trong phiên xét xử sơ thẩm lần này, thể hiện quan điểm không coi lô thuốc H-Capita là hàng giả. Bên cạnh đó, tại công văn số 297 năm 2018, Bộ cho rằng thuốc kém chất lượng, thuốc giả và hàng giả là 3 khái niệm riêng biệt. Ông nhận định như thế nào về việc này?
- Theo quy định tại Khoản 8, Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP hướng dẫn quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật sở hữu trí tuệ 2005, hàng giả bao gồm:
1, Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng văn phòng luật sư Kết nôi, Hà Nội
|
2, Hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính, hoặc tổng các chất dinh dưỡng, hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
3, Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
4, Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
Các bị cáo tại phiên sơ thẩm lần 2
|
5, Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;
6, Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
7, Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý và hàng hóa sao chép lậu (tức là là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan)
8, Tem, nhãn, bao bì giả.
Từ đây, tôi thấy rằng Bộ Y tế không hiểu gì về khái niệm hàng giả và đưa ra quan điểm hoàn toàn sai quy định pháp luật về hàng giả. Cách hiểu của Bộ Y tế vô tình tạo điều kiện cho rất nhiều doanh nghiệp buôn bán thiết bị, thuốc y tế giả mạo về nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác để tư lợi riêng.
+, Ông có thể phân tích kỹ hơn?
- Thứ nhất, công văn của Bộ Y tế không phải là văn bản luật, không có giá trị pháp lý. Thứ hai, việc đánh giá phạm vi quy định về hàng giả thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương và các cơ quan chuyên môn.
Các bị cáo ra về sau phiên sơ thẩm.
|
Bên cạnh đó, Chính phủ mới là đơn vị được quyền ban hành Nghị định hướng dẫn các quy phạm pháp luật liên quan đến hàng giả. Chỉ văn bản của Chính phủ ban hành mới có giá trị pháp lý, còn các ý kiến của các bộ thì nó chỉ mang tính chất tham khảo.
Bộ Y tế không thể cứ ra công văn, nêu ý kiến cho rằng thuốc đó không phải là thuốc giả.
Như vậy, Bộ Y tế đang áp dụng sai pháp luật.
+, Còn về việc kết luận của Hội đồng giám định Bộ Y tế cho rằng thuốc H-Capita chỉ là thuốc kém chất lượng thôi, không phải là thuốc giả, thưa ông?
- Khái niệm về hàng giả rất rộng, có thể giả về nhãn mác, giả về nguồn gốc xuất xứ, giả về chỉ dẫn, giả về chất lượng… Thậm chí, khi một đơn vị sản xuất ra hàng hóa, cam kết chất lượng là 100% nhưng thực tế chỉ đạt chất lượng là 60% thôi, sản phẩm đầu ra vẫn bị đánh giá là hàng giả.
Bộ Y tế cũng đã thừa nhận rằng thuốc ung thư H-Capita giả về nguồn gốc xuất xứ, giả về nhãn mác. Như vậy, tổng hợp của hai yếu tố trên, lô 9.300 hộp thuốc ung thư H-Capita chắc chắn là thuốc giả, lừa đảo người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, dù Bộ Y tế cố gắng giải thích nhiều lần.
Xin cảm ơn ông!
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, Hà Nội: Theo quy định pháp luật, nước ta chỉ ghi nhận về khái niệm hàng giả và không có quy định riêng về hàng kém chất lượng. Đồng thời, có thể hiểu hàng kém chất lượng cũng thuộc trường hợp hàng giả khi hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa hoặc hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;….. Khái niệm thuốc giả cũng nằm trong quy định về hàng giả, cụ thể là thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa. Do đó, dưới góc độ pháp lý, hàng giả có thể bao hàm cả ba khái niệm gồm" hàng giả, thuốc giả, thuốc kém chất lượng nếu thỏa mãn các điều kiện quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP. |