UBND TP Hà Nội đã có quyết định thành lập đoàn kiểm tra vụ Đội Quản lý thị trưởng (QLTT) số 14 của Chi cục QLTT TP Hà Nội tạm giữ 2,2 tấn hotdog, xúc xích của Vietfoods và cung cấp thông tin cho báo chí là có chứa chất cấm, chất gây ung thư từ ngày 20-4. Chiều 31-5, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục QLTT, Bộ Công Thương, cho biết như vậy.
QLTT đã hủy biên bản vi phạm hành chính
Theo ông Ngọc, hiện nay các văn bản quy định danh mục các chất được sử dụng trong quy trình sản xuất thực phẩm có nhiều bất cập nên rất khó xác định. “Ban đầu QLTT TP Hà Nội kiểm tra các sản phẩm Vietfoods là có căn cứ và đã tiến hành tạm giữ lô hàng để tham vấn cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, sau khi cơ quan chuyên môn phản hồi với kết quả kiểm nghiệm an toàn, hội đồng tư vấn đã họp và thống nhất trả lại hàng cho doanh nghiệp (DN)” - ông Ngọc cho hay.
Cũng theo ông Ngọc, khi có kết quả kiểm nghiệm từ Bộ Y tế, Chi cục QLTT TP Hà Nội đã trả lại lô hàng đó cho DN và hủy bỏ các biên bản vi phạm hành chính. “Trong vụ việc này, việc kết luận đúng sai ra sao sẽ do đoàn công vụ của UBND TP Hà Nội quyết định, công bố. QLTT TP Hà Nội báo cáo là đã hủy các biên bản vi phạm hành chính đối với DN. Vụ việc đang nhạy cảm nên tôi chỉ cung cấp thông tin như thế thôi” - ông Ngọc nói.
QLTT sai luật rất rõ
Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét: Trong sự kiện này, về mặt pháp lý, QLTT TP Hà Nội đã có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng:
Thứ nhất, QLTT không có chức năng quản lý an toàn thực phẩm đối với mặt hàng thực phẩm chế biến (xúc xích). Bởi theo khoản 2 Điều 64 Luật An toàn thực phẩm, Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột cùng các thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ. Việc Đội QLTT số 14 kiểm tra, lập biên bản thu giữ hàng hóa của DN là không đúng thẩm quyền, trái pháp luật.
Thứ hai, việc Đội QLTT số 14 tự ý cung cấp thông tin sản phẩm Vietfoods chứa chất cấm, chất gây ung thư cho báo chí ngay từ khi vừa tạm giữ, kiểm đếm hàng hóa (chưa có kết luận chính thức) đã vi phạm điểm b khoản 4 Điều 68 Luật An toàn thực phẩm. Điều khoản này quy định rất rõ: “Bảo vệ bí mật thông tin, tài liệu, kết quả kiểm tra liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra khi chưa có kết luận chính thức”.
Cạnh đó, động thái này của Đội QLTT số 14 còn vi phạm Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính về công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính. Theo khoản 2 Điều 72 thì nội dung công bố phải bao gồm hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.
Đồng tình, một cán bộ QLTT (đề nghị không nêu tên) cho biết thêm: “Theo các quy định hiện hành thì thẩm quyền kiểm tra DN sản xuất, kinh doanh mặt hàng xúc xích thuộc về Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (ngành NN&PTNT) chứ không phải là Chi cục QLTT (ngành công thương).
Ngoài ra, Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định nếu tạm giữ tang vật quá bảy ngày thì cơ quan có thẩm quyền phải ra quyết định kéo dài thời hạn tạm giữ và phải gửi quyết định này cho người vi phạm. Ở đây, Chi cục QLTT TP Hà Nội tạm giữ 2,2 tấn hotdog, xúc xích của Vietfoods gần một tháng nhưng không tống đạt quyết định gia hạn tạm giữ cho DN là vi phạm quy định trên.
Nếu kiện, DN phải chứng minh thiệt hại cụ thể
Như chúng tôi từng thông tin, ông Lưu Minh Sang (chủ cơ sở Vietfoods) và luật sư Nguyễn Minh Đức (đại diện pháp lý cho Vietfoods) khẳng định nếu không thỏa mãn với quyết định giải quyết khiếu nại của Chi cục QLTT TP Hà Nội, Vietfoods sẽ khởi kiện vụ án hành chính.
Nếu khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu tòa tuyên bố hành vi kiểm tra, tạm giữ hàng hóa, cung cấp thông tin sản phẩm có chất cấm, chất gây ung thư của đội trưởng Đội QLTT số 14 là sai và yêu cầu bồi thường thiệt hại, Vietfoods phải nộp đơn ra tòa nào? Luật sư Trần Hải Đức cho biết thẩm quyền thụ lý, giải quyết vụ kiện theo trình tự sơ thẩm thuộc TAND TP Hà Nội. Bởi lẽ Đội QLTT số 14 là đơn vị trực thuộc Chi cục QLTT TP Hà Nội chứ không phải là đơn vị QLTT độc lập ở cấp quận, huyện.
Vậy nếu khởi kiện, Vietfoods sẽ phải chuẩn bị những gì để chứng minh cho các yêu cầu của mình, trong đó có yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại? Theo ông Phạm Công Hùng (nguyên Thẩm phán TAND Tối cao) và PGS-TS Đỗ Văn Đại (Trường ĐH Luật TP.HCM), trước hết Vietfoods phải chứng minh được các hành vi, quyết định hành chính trái pháp luật của QLTT. Chẳng hạn phải chứng minh Đội QLTT số 14 vi phạm trong việc ra quyết định tạm giữ hàng hóa, vi phạm trong việc lấy mẫu đi xét nghiệm, vi phạm trong việc cung cấp thông tin cho báo chí... dẫn đến thiệt hại cho Vietfoods. Thực tế cho thấy chỉ riêng việc cung cấp thông tin sai sự thật đã gây thiệt hại lớn với DN về vật chất và uy tín, tên tuổi. Muốn vậy, DN phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ là các cơ sở pháp lý để chứng minh những vấn đề trên là trái luật. Sau đó, DN phải chứng minh được thiệt hại mà mình phải gánh chịu và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi, quyết định trái pháp luật của QLTT với thiệt hại xảy ra.
Theo ông Hùng, những thiệt hại này phải được liệt kê cụ thể gồm thiệt hại thực tế (như lô hàng bị hết đát, sản xuất ngừng trệ, hàng hóa không bán tiếp được, bị trả về…) hoặc thiệt hại về tinh thần (như uy tín, danh dự bị giảm sút, mất thương hiệu…). Nếu DN chứng minh được có thiệt hại xảy ra vì hành vi, quyết định hành chính trái pháp luật của QLTT, DN sẽ được tòa tuyên thắng kiện.
Các DN bị thiệt hại khác kiện QLTT được không?
NhưPháp Luật TP.HCMđã phản ánh, thông tin “xúc xích của Vietfoods có chất gây ung thư” không chỉ làm cơ sở này bị thiệt hại mà còn khiến các DN chế biến thực phẩm khác bị ảnh hưởng nặng nề vì người tiêu dùng cứ thấy xúc xích là quay lưng. Doanh số kinh doanh của các DN giảm 30%-40%, có DN giảm đến 50%.
Vậy các DN bị “vạ lây” này có thể khởi kiện QLTT TP Hà Nội để đòi bồi thường thiệt hại? Nhiều chuyên gia cho biết hành vi, quyết định hành chính của Đội QLTT số 14 không trực tiếp xâm hại đến lợi ích của các DN này. Thiệt hại của các DN là có thực nhưng nó lại mang yếu tố gián tiếp thông qua sự cố không mong muốn đối với Vietfoods. Trong khi các quy định của pháp luật đều quy định nguyên tắc trong giải quyết các yêu cầu khởi kiện là phải trực tiếp xâm hại đến lợi ích của nhau. Do đó các DN này có khởi kiện thì tòa án cũng không thụ lý, giải quyết.
Theo Điều 6 Luật Tố tụng hành chính: Trường hợp vụ án có yêu cầu bồi thường thiệt hại mà chưa có điều kiện để chứng minh thì tòa có thể tách yêu cầu bồi thường thiệt hại để giải quyết sau bằng một vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật.
Luật sư Trần Hải Đức
Theo PLO