Cần cấp thiết có luật bảo vệ quyền lợi người dân
+ Thưa luật sư, đã có hàng trăm người dân đã bị thiệt hại trong vụ nước nhiễm dầu thải do Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cung cấp. Người dân cũng phải chịu thiệt hại rất nhiều khi đường ống nước vỡ hàng chục lần trước đó. Theo ông, người dân cần làm gì để tự bảo vệ bản thân?
- Tôi cảm thấy may mắn bởi vì nước cung cấp cho người dân trong vụ việc vừa qua không có chất kịch độc, không có người dân nào thiệt mạng. Tuy nhiên, vụ việc cũng đặt ra vấn đề về việc bảo vệ quyền lợi cho người dân.
Nước sạch là một trong những dịch vụ công do Nhà nước chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, hiện nay, khi sử dụng các dịch vụ như trên, người dân chưa được bảo vệ quyền lợi. Họ không được lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, không được lựa chọn sử dụng dịch vụ hay không. Sau đó, khi ký cam kết sử dụng dịch vụ, người dân phải tuân theo hợp đồng mẫu. Đến khi xảy ra sự cố, họ cũng rất khó khăn để kiện hoặc đòi bồi thường với nhà cung cấp dịch vụ vì không thể bắt được lỗi nào.
Từ thực tế đó, cần phải ban hành ngay luật bảo vệ quyền của người dân, trong khi chưa kịp ra luật về dịch vụ công. Nếu không kịp ban hành các đạo luật, chúng ta có thể xây dựng Nghị định của Chính phủ về vấn đề cung cấp nước sạch ngay lập tức. Để làm được điều đó, người dân, dư luận phải lên tiếng, đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc có luật bảo vệ quyền lợi của mình.
Ngoài ra, người dân được Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng và Luật Bảo vệ người tiêu dùng bảo vệ. Trong đó, các hiệp hội có quyền đại diện cho người tiêu dùng để khởi kiện. Luật cho phép người tiêu dùng được quyền kiện, còn trách nhiệm chứng minh không có lỗi thuộc về người bị kiện.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập chia sẻ tại buổi tọa đàm
|
Nếu người dân nào khởi kiện vụ việc nước sạch sông Đà ra tòa, tôi sẽ nhận đại diện cho họ. Bởi tôi cho rằng vụ kiện sẽ tạo sức ép lên công ty, nhà cung cấp dịch vụ, buộc công ty đó phải cải thiện uy tín trên thị trường, cải thiện chất lượng dịch vụ, hỗ trợ người dân khi sự cố xảy ra.
+ Còn về mặt luật pháp, luật nào sẽ đảm bảo quyền của người dân trong sự cố này?
- Thực tế, chúng ta đã có luật, trong lĩnh vực nước sạch là Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, song, cần phải cụ thể hóa mới áp dụng được. Chúng ta cũng đã có Luật Hình sự để buộc các cá nhân phải chịu trách nhiệm.
+ Ông nhận định như thế nào về vai trò của người quản lý đô thị?
- Vai trò của chính quyền đô thị rất đặc biệt, vì người dân ở đô thị gặp nhiều rủi ro về an toàn nguồn nước và dịch vụ công. Hà Nội đã có Luật Thủ đô, hiện được xem xét, đánh giá tính hiệu quả sau 7 năm thực hiện.
Theo tôi, đã đến lúc phải cụ thể hóa về vai trò của người quản lý đô thị và quyền lợi của người dân trong Luật Thủ đô. Nếu chưa cụ thể hóa trong luật, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội có thể ra các nghị quyết về cung cấp nước sạch và dịch vụ công. Tôi cho rằng điều này nằm trong trách nhiệm của chính quyền Hà Nội.
Lỗ hổng pháp lý, bán nhầm thương quyền
+ Thưa ông, vụ việc cung cấp nước không đảm bảo chất lượng của Công ty Viwasupco cũng làm dấy lên lo ngại của người dân về dịch vụ công. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Các chuyên gia chia sẻ tại sự kiện
|
- Không chỉ sự cố “nước sạch sông Đà” vừa qua, mà còn sự cố cháy nhà máy của Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông khiến hàng trăm người dân bị ảnh hưởng. Vụ việc đã cho thấy khoảng trống rất lớn trong hành lang pháp lý, thể chế bảo vệ quyền, sức khỏe, an toàn, tính mạng của người dân trong cuộc sống đời thường. Vì vậy khoảng trống này phải được lấp càng sớm càng tốt.
Khoảng trống này là gì? Đó là các khuôn khổ pháp lý về cung cấp dịch vụ công nói chung và cung cấp các dịch vụ thiết yếu về nước sạch nói riêng. Đây cũng là căn nguyên của vấn đề, và chừng nào căn nguyên này chưa được giải quyết, thì các vụ việc tương tự sẽ tiếp tục xảy ra.
+ Thưa ông, việc cung cấp nước sạch cùng các dịch vụ công được khuyến khích tư nhân hóa. Thực tế, nhiều công ty cung cấp nước sạch trên địa bàn Hà Nội là công ty tư nhân. Việc này có lợi và có hại như thế nào?
- Theo tôi, đây là điều đáng lo ngại nhất. Ở các nước trên thế giới, việc tư nhân hóa phải được chính quyền kiểm soát chặt chẽ bằng nhiều biện pháp khác nhau và chính phủ không từ bỏ trách nhiệm cung cấp các dịch vụ công, đặc biệt là các dịch vụ thiết yếu với người dân như nước sạch.
Tại sao có điều này? Vì dịch vụ công là những dịch vụ thiết yếu với người dân, không phụ thuộc vào thị trường, không lấy lợi nhuận làm tiêu chí ưu tiên. Dịch vụ công không thể được điều chỉnh bởi các quy luật thị trường mà buộc nhà nước phải đứng ra chịu trách nhiệm. Nếu tư nhân hóa, phải có điều kiện rõ ràng về việc tư nhân hóa như thế nào, nhà nước sẽ chịu trách nhiệm ra sao bởi người dân đã trả thuế duy trì các dịch vụ công này.
Song ở Hà Nội, việc tư nhân hóa các dịch vụ công được khuyến khích nhưng chưa có công cụ pháp lý nào, các quy định cho phép tư nhân hóa dịch vụ công. Các quy định của Nhà nước, các quy định về đầu tư thông thường, thậm chí hình thức đầu tư PPP cũng không đủ rộng và chính xác để làm căn cứ để điều chỉnh lĩnh vực rất đặc biệt và nhạy cảm như dịch vụ công.
+ Nhà máy nước đã được tư nhân hóa thông qua cổ phần hóa, có những phần đáng lý Nhà nước phải quản lý thì cũng tư nhân hóa, cổ phần hóa hết. Việc này sẽ gây ảnh hưởng như thế nào?
Người dân Hà Nội phải mang bình, xô, chậu xách nước sạch về nhà sử dụng
|
- Lĩnh vực cung cấp nước sạch thu về siêu lợi nhuận có tính bền vững bởi đây là lĩnh vực thiết yếu hàng ngày và người dân không có quyền lựa chọn dịch vụ. Đó cũng là phần thương quyền mà Nhà nước đã cấp, bán cho các doanh nghiệp tư nhân mà không thu tiền.
Chúng ta đang nhầm lẫn giữa chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thông thường với tư nhân hóa các hoạt động cung cấp dịch vụ công. Sau sự cố môi trường vừa rồi, việc này cần phải được thức tỉnh và khắc phục ngay.
+ Vấn đề cuối cùng, thưa ông, trách nhiệm bảo đảm an toàn nguồn nước thuộc về ai?
- Theo tôi, vấn đề bảo vệ nguồn nước phải do Nhà nước thực hiện, tư nhân không làm được. Vì tính mạng hàng triệu người phụ thuộc vào việc nguồn nước có sạch hay không, nên đây là trách nhiệm của Nhà nước. Doanh nghiệp tư nhân không đủ nguồn lực để thực hiện việc này.
Nhà nước phải dùng tiền thuế của người dân để bảo vệ nguồn nước đó, chính là bảo vệ nguồn sống của người dân, và tôi tin người dân sẵn sàng đóng thuế để được bảo về tốt nguồn nước.
Hiện nay ta chưa có quy định về việc bảo vệ nguồn nước, thì đây là cơ hội để lấp khoảng trống pháp lý đó.
Xin cảm ơn ông!
Chuyên gia Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông - Hội Truyền thông số Việt Nam: Khó kiện nhà cung cấp dịch vụ
Chia sẻ về việc người dân khiếu kiện trong vụ việc nước sạch sông Đà theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, ông Nguyễn Quang Đồng nhận định người dân khó thực hiện khiếu kiện, do vụ việc có quá đông người bị hại còn Luật Bảo vệ người tiêu dùng khó áp dụng. “Chúng ta đang có điểm nghẽn về khiếu kiện tập thể” - Ông nói. Luật pháp chỉ cho phép các hội, hiệp hội đứng ra đại diện trong trường hợp người dân cần khiếu kiện tập thể, nên nếu các tổ chức này không đồng ý đại diện cho người dân trong vụ kiện, người dân khó thực hiện khiếu kiện. "Xét trong vụ việc nước sạch sông Đà, tôi cho rằng chúng ta cần xem xét lại quy định về khiếu kiện tập thể. Bởi vì chỉ khi người dân bị thiệt hại đứng ra khiếu kiện, thì chúng ta mới có động lực để xem xét, theo đuổi các vụ kiện đến cùng, tạo ra áp lực với bên cung cấp dịch vụ để đảm bảo chất lượng và giá cả dịch vụ. Nếu người dân không thể kiện, chúng ta không giải quyết vụ việc thật triệt để mà chỉ xử lý vi phạm hành chính, vấn đề tận gốc không được giải quyết, các vụ việc tương tự sẽ tiếp tục diễn ra” - ông Nguyễn Quang Đồng nói. |