CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) vừa có những điều chỉnh quan trọng về thượng tầng lãnh đạo, cụ thể là tại vị trí Tổng Giám đốc công ty.
Theo đó, ngày 28/11/2017, Hội đồng quản trị (HĐQT) Haraco đã ban hành Quyết định số 285/QĐ-HĐQT về việc miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc Công ty đối với ông Trần Thế Hùng. Ông Hùng sẽ chính thức thôi nhiệm kể từ ngày 01/01/2018.
Để thay thế cho vị trí mà ông Hùng để lại, HĐQT Haraco đã ban hành Quyết định số 289/QĐ-HĐQT về việc tiếp nhận và bổ nhiệm có thời hạn ông Nguyễn Viết Hiệp, người đại diện 35% của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tại công ty giữ chức Tổng Giám đốc CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội kể từ ngày 01/01/2018.
Quyết định nêu rõ mức lương mà ông Hiệp sẽ nhận cho vị trí người đứng đầu ban điều hành Haraco. Cụ thể, lương của ông Nguyễn Viết Hiệp được hưởng theo bảng lương Người quản lý D1.2, bậc 2/2, hệ số lương 4,00 mức lương 15.920.000 đồng (mười lăm triệu, chín trăm hai mươi nghìn đồng) kể từ ngày tiếp nhận nhiệm vụ mới.
Các quyết định nhân sự của Haraco, trước đó, đã nhận được sự thống nhất của Đảng ủy công ty và Hội đồng quản trị, tại các phiên họp diễn ra vào ngày 26/12.
“Đảo vai”
Tổng Giám đốc Haraco thực ra là một vị trí mới nhưng mà là cũ đối với ông Nguyễn Viết Hiệp. Trước đây, ông Hiệp đã có nhiều năm giữ chiếc ghế sắp nhận này. Và có lẽ ông sẽ tiếp tục giữ ghế nếu không xảy một biến cố, liên quan đến những toa tàu cũ có nguồn gốc từ bên kia biên giới.
Ông Hiệp – trên cương vị Tổng Giám đốc Haraco - là người đã ký công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) và Bộ Khoa học Công nghệ đề nghị hướng dẫn việc mua 160 toa tàu chở hàng của Trung Quốc; trong đó có 120 toa có tuổi đời hơn 20 năm.
Công văn này được Bộ GTVT cho là vượt cấp và không phù hợp với các quy định hiện hành về việc nhập khẩu trang thiết bị đã qua sử dụng. Trước áp lực của dư luận và truyền thông, ông Hiệp đã bị cách chức Tổng Giám đốc Haraco và được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (công ty mẹ của Haraco) điều chuyển về làm Trưởng ban Kế hoạch Kinh doanh kể từ ngày 15/05/2016 (theo Quyết định số 638/QĐ-ĐS ngày 11/5/2016).
Người được bổ nhiệm thay thể ông Hiệp chính là ông Trần Thế Hùng – người mà ông Hiệp sẽ lại thay thế làm Tổng Giám đốc Haraco kể từ ngày 01/01/2018 tới đây. Khá thú vị là, trước khi về làm Tổng Giám đốc Haraco cũng như là người đại diện 35% vốn của Tổng công ty đường sắt Việt Nam tại Haraco thay ông Hiệp, ông Hùng chính là Trưởng ban Kế hoạch Kinh doanh Tổng công ty đường sắt Việt Nam – vị trí mà ông Hiệp đảo về.
Trong quá khứ, ông Hiệp và ông Hùng đã liên tục đổi vai cho nhau. Nhưng chưa rõ là lần này, khi ông Nguyễn Viết Hiệp rời ghế Trưởng ban Kế hoạch Kinh doanh để trở lại làm Tổng Giám đốc Haraco thì ông Trần Thế Hùng liệu có trở lại Tổng công ty làm Trưởng ban Kế hoạch Kinh doanh hay không.
Người vừa ký các quyết định bổ nhiệm và miễn nhiệm ông Hiệp và ông Hùng – ông Đỗ Văn Hoan – thực tế cũng mới được chính thức bầu làm Chủ tịch HĐQT Haraco từ cách đây ít lâu, chính xác là ngày 23/11/2017.
Sự trở lại của Tổng Giám đốc Nguyễn Viết Hiệp không rõ có giúp cho tình hình kinh doanh của Haraco trở nên khả quan.
Chỉ biết rằng kết quả hoạt động của công ty đường sắt này hiện tại không được tốt.
Theo Báo cáo tài chính mới nhất, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Haraco trong 9 tháng đầu năm là 1.773 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ 2016 nhưng sau khi trừ các khoản chi phí, Haraco đang lỗ 5 tỷ đồng.
Thực tế, mức lỗ của Haraco có thể còn lớn hơn nữa – tới 13 tỷ đồng, nếu trong kỳ, công ty không ghi nhận một khoản lợi nhuận đột biến (lợi nhuận khác) từ việc thanh lý tài sản. Chưa rõ Haraco đã thanh lý thứ gì, chỉ biết khoản này đã đem về cho công ty 8,5 tỷ đồng.
Hoạt động thanh lý tài sản, theo tìm hiểu, đang được Haraco đẩy mạnh trong thời gian qua. Gần nhất, công ty này đang đăng thông báo về việc bán đấu giá 283 toa xe các loại, trong đó có 27 toa xe khách và 256 toa xe hàng, với giá khởi điểm dự kiến là từ 23,7 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính sau kiểm toán năm 2016 của Haraco ghi nhận mức lãi 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên lưu ý rằng, mức lãi đó là tính từ ngày 28/01/2016 – 31/12/2016. Còn từ ngày 01/01/2016 – 27/01/2016, Haraco lỗ tới 11,5 tỷ đồng./.