Vũ khí siêu thanh và Laser: Nước nào ở châu Á đã sở hữu và dẫn trước trong cuộc chạy đua vũ trang?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một số quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang nhập cuộc đua vũ khí năng lượng định hướng và siêu thanh, khi nhiều nước đang phát triển hoặc có ý định phát triển.

Trung Quốc

Tên lửa DF-17 của Trung Quốc trong một cuộc diễu binh (Ảnh: AP)

Tên lửa DF-17 của Trung Quốc trong một cuộc diễu binh (Ảnh: AP)

Không có gì bất ngờ khi Trung Quốc là một trong số các quốc gia tập trung vào cả hai lĩnh vực trên. Nước này được phần lớn các chuyên gia công nhận là người tiên phong trong lĩnh vực các hệ thống siêu thanh khi đã sở hữu những vũ khí như vậy, ví dụ như tên lửa siêu thanh DF-17.

Phương tiện lướt siêu thanh (HGV) DF-17 lần đầu tiên xuất hiện trong một buổi diễu binh ở Bắc Kinh cuối năm 2019. Vũ khí này dường như sử dụng động cơ đẩy tên lửa đạn đạo tiêu chuẩn trong giai đoạn đầu tiên để gia tốc cho phương tiện lướt, được sử dụng để tấn công một mục tiêu sau giai đoạn tái nhập.

Các HGV DF-17 trong buổi diễu binh được lắp trên dàn phóng di động có bánh xe. Điều này giúp cho hệ thống có tính cơ động cao, giống như phần lớn các loại tên lửa đạn đạo của quân đội Trung Quốc. Nhờ tính cơ động mà địch thủ khó có thể tấn công các hệ thống này trước khi chúng khai hỏa.

Các nguồn tin của chính phủ Mỹ nói rằng Trung Quốc đã thực hiện một số cuộc thử nghiệm HGV, bao gồm cả DF-17, kể từ năm 2014. DF-17 là hệ thống siêu thanh đầu tiên đi vào hoạt động trên thế giới, mặc dù một số quốc gia khác, trong đó có Mỹ, cũng đang phát triển những hệ thống tương tự.

Thêm vào đó, Trung Quốc cũng được tin là đang phát triển HGV phóng từ trên không, trong đó một đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội Trung Quốc hồi tháng 10/2020 cho thấy một máy bay ném bom Xian H-6N đang hạ cánh tại một căn cứ không quân, mang theo thứ dường như là một HGV – hay ít nhất là một mô hình sử dụng cho các cuộc thử nghiệm bay.

Giới chức Lầu Năm Góc từ lâu đã ngờ rằng Trung Quốc đang phát triển một tên lửa đạn đạo phóng từ trên không để lắp đặt cho các máy bay ném bom H-6 của họ, mặc dù chi tiết vẫn chưa rõ. Thêm nữa, cũng chưa rõ liệu thứ vũ khí phóng từ trên không này có phải vũ khí mà Lầu Năm Góc nhắc tới không, hay là Trung Quốc đang phát triển một hệ thống khác với đầu đạn truyền thống hơn.

Việc triển khai các HGV phóng trên không và phóng từ phương tiện cơ động trên mặt đất sẽ giúp Trung Quốc tăng cường khả năng ngắm bắn địch thủ, tạo thêm mối đe dọa cho các hệ thống phòng thủ của đối phương.

Lầu Năm Góc cũng cho rằng Trung Quốc đã thực hiện một số vụ thử nghiệm súng điện từ railgun trên mặt đất. Loại vũ khí này sử dụng lực điện từ để phóng đi các vật thể với vận tốc cao. Mặc dù đầu đạn không chứa chất nổ như các tên lửa siêu thanh, nhưng vận tốc cực lớn của nó lại gây sát thương khổng lồ.

Nhiều người cũng tin rằng một tàu lưỡng cư của Hải quân PLA, được chụp ảnh trong nhiều dịp, đã được lắp đặt nhiều trang thiết bị cho thấy họ đang thử nghiệm một súng điện từ railgun trên tàu, mặc dù thông tin này vẫn chưa được xác nhận độc lập.

Trung Quốc cũng đang tăng cường phát triển các loại vũ khí năng lượng định hướng (DEW), trong đó, hãng truyền thông nhà nước cùng một số hình ảnh mà nhà sản xuất công bố cho thấy một số hệ thống laser cầm tay và lắp trên xe. Các vũ khí này bao gồm một loại vũ khí laser cầm tay được cấp cho lực lượng hành pháp – để kiểm soát đám đông – mặc dù các nhà thiết kế nói rằng khi thiết lập mức năng lượng cao nhất, khẩu súng này có thể phóng ra laser làm rách da người. Nó còn có thể đốt cháy quần áo, bắn hạ một chiếc drone cỡ nhỏ đang bay hoặc làm cháy bình xăng.

Một học giả Trung Quốc còn nói rằng PLA đã sử dụng các loại vũ khí vi sóng để khống chế binh sĩ Ấn Độ trong cuộc đụng đột giữa hai bên xảy ra hồi năm ngoái. Thông tin này chưa được xác minh độc lập.

Ấn Độ

Ấn Độ cũng đang theo đuổi cả DEW và vũ khí siêu thanh. Phiên bản thứ hai của “Lộ trình Khả năng và Phối cảnh công nghệ” của Ấn Độ, được Bộ Quốc phòng công bố năm 2018, đã đánh giá hơn 200 thiết bị quân sự dự kiến sẽ vào biên chế quân đội vào cuối thập kỷ này. Trong danh sách các dự án được khuyến khích phát triển có “Hệ thống Laser Cao năng lượng Chiến thuật” trang bị cho bộ binh và không quân.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã nhắm thấy tiềm năng của một hệ thống vũ khí laser lắp đặt trên xe với khả năng “gây tổn thất/phá hủy các hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống thông tin liên lạc và các hệ thống radar, ăng-ten” của địch thủ. Cuối cùng, vũ khí này cần phải đạt tầm bắn tối thiểu là 20 km, có khả năng tự khóa mục tiêu và có thể thực hiện nhiệm vụ chống vệ tinh khi được lắp trên các nền tảng mặt đất hay trên không.

Một bản đánh giá chính thức mà Bộ Quốc phòng công bố năm 2020 có nhắc tới một hệ thống vũ khí chống drone được Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng (DRDO) của chính phủ chế tạo. Ngày 1/1/2021, thông cáo báo chí của cơ quan này cho hay hệ thống trên đã được triển khai để đảm bảo an ninh cho Thủ tướng Narendra Modi, trong lúc ông có bài phát biểu trước toàn quốc nhân Quốc khánh lần thứ 74.

“Nó có thể bắn hạ các drone cỡ nhỏ bằng cách chặn sóng hoặc gây sát thương trực tiếp với drone nhờ vào vũ khí năng lượng định hướng” – thông cáo báo chí có đoạn.

DRDO hiện đang đề nghị Bộ Quốc phòng chi khoản ngân sách 100 triệu USD trong giai đoạn 2021-2022 để sản xuất một vũ khí laser cao năng lượng. Dự án bí mật có tên DURGA II này sẽ giúp quân đội Ấn Độ sở hữu một vũ khí năng lượng định hướng hạng nhẹ, công suất 100 kW; theo chuyên trang Defense News.

Một nhà khoa học kỳ cựu của DRDO cho hay chương trình DURGA II mới chỉ đang trong giai đoạn khái niệm. Ông thêm rằng DRDO đang phát triển và cải thiện các kỹ thuật phát laser sử dụng laser trạng thái rắn để sử dụng cho mục đích phòng thủ/tấn công. Vũ khí mới dự kiến được tích hợp với nền tảng mặt đất, trên biển và cả trên không.

Một nhà khoa học khác của DRDO nói rằng 50 nhà khoa học của họ đã được giao nhiệm vụ phát triển các vũ khí năng lượng định hướng mới. Cơ quan này cũng muốn bắt đầu nghiên cứu công nghệ xung điện từ phi hạt nhân.

Các phòng thí nghiệm trực thuộc DRDO tham gia vào chương trình phát triển DEW bao gồm Trung tâm Khoa học và Công nghệ Laser, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Điện tử Quốc phòng, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng và Trung tâm Các hệ thống Cao năng lượng và Khoa học.

Cùng lúc, Ấn Độ cũng đang tập trung phát triển công nghệ siêu thanh và đã xây dựng một đường hầm gió ở Hyderabad để thử nghiệm. Cuộc thử nghiệm thành công đầu tiên của họ được thực hiện với một phương tiện sử dụng công nghệ siêu thanh. Mẫu phương tiện thử nghiệm này được phát triển bởi DRDO, và nó có khả năng bay với vận tốc gấp 6 lần tốc độ âm thanh.

Defense News dẫn lời một nhà khoa học của DRDO nói rằng phương tiện mới sẽ được sử dụng để phóng cả tên lửa siêu thanh và tên lửa hành trình tầm xa. “DRDO đã chi khoảng 4,5 triệu USD chi phí phát triển nguyên mẫu này, và 3 cuộc thử nghiệm nữa sẽ được thực hiện trong vòng 5 năm tới để giúp nền tảng này trở thành một vũ khí siêu thanh vận hành đầy đủ”, nguồn tin này cho hay.

Ấn Độ cũng đang phát triển tên lửa siêu thanh BrahMos II.

Nhật Bản

Bức đồ họa cho thấy 2 vũ khí siêu thanh mà Nhật Bản đang phát triển (Ảnh: Defense News)

Bức đồ họa cho thấy 2 vũ khí siêu thanh mà Nhật Bản đang phát triển (Ảnh: Defense News)

Quốc gia Đông Bắc Á này đã bắt đầu theo đuổi vũ khí siêu thanh từ cuối những năm 2010. Nước này đang nhắm tới 2 lớp hệ thống siêu thanh: Tên lửa hành trình siêu thanh (HCM) và Đạn lướt siêu thanh (HVGP). Hệ thống đầu tiên sẽ được tiếp năng lượng bằng động cơ phản lực và dường như gần giống một tên lửa điển hình, nhưng với vận tốc cao hơn nhiều và tầm xa cũng lớn hơn.

Còn HVGP sẽ có một động cơ rocket nhiên liệu rắn để đẩy đầu đạn lên một tầm cao nhất định trước khi tách ra, sau đó đầu đạn này sẽ lướt tới mục tiêu của nó, nhờ xuất phát từ độ cao mà duy trì được vận tốc lớn cho đến khi đáp trúng mục tiêu.

Cơ quan Mua sắm, Công nghệ và Hậu cần (ALTA) của chính phủ Nhật cũng đưa ra chi tiết liên quan tới đầu đạn, trong đó đưa ra nhiều loại đầu đạn khác nhau để phục vụ các nhiệm vụ tấn công trên mặt đất hoặc trên biển. Trong số này có một đầu đạn xuyên giáp đặc biệt được chế tạo để xuyên thủng “boong tàu sân bay”.

Chính phủ Nhật Bản hiện đang tiếp tục nghiên cứu và phát triển công nghệ siêu thanh, với hơn 240 tỉ Yen (2 tỉ USD) tiền chi cho chương trình này, trong bản ngân sách quốc phòng mới nhất. ALTA đã ký hợp đồng với hãng Mitsubishi Heavy Industries để hợp tác nghiên cứu cả HCM và HVGP, và dự kiến HVGP sẽ được nhập biên chế vào năm 2026.

ALTA cho hay công tác nghiên cứu HCM sẽ tiếp tục cho đến năm 2025, mặc dù đến lúc đó họ vẫn chưa thể đảm bảo sẽ phát triển được một hệ thống hoạt động được.

Được biết, do lực lượng phòng vệ bị hạn chế, không thể thực hiện các nhiệm vụ tấn công, nên Nhật Bản muốn phát triển vũ khí siêu thanh như một biện pháp phòng thủ “các vùng đảo xa” của họ. Rất có thể Nhật đang ám chỉ quần đảo Senkaku (phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) đang tranh chấp.

Bán đảo Triều Tiên

Triều Tiên mới đây tuyên bố thử nghiệm một tên lửa siêu thanh (Ảnh: BBC)

Triều Tiên mới đây tuyên bố thử nghiệm một tên lửa siêu thanh (Ảnh: BBC)

Bán đảo Triều Tiên cũng đã gia nhập cuộc đua phát triển vũ khí siêu thanh. Hàn Quốc, đồng minh của Mỹ, đang đẩy nhanh các kế hoạch phát triển tên lửa siêu thanh của họ nhằm sở hữu khả năng tấn công tên lửa cần có để đối phó với kho tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Riêng về tên lửa đạn đạo thì Triều Tiên chắc chắn đã vượt qua người hàng xóm của mình.

Tháng 8/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo nói rằng đất nước ông sẽ tăng tốc phát triển các tên lửa siêu thanh và tên lửa tầm xa, cũng như các đầu đạn mạnh mẽ để lắp đặt cho các tên lửa đó. Hàn Quốc vốn đã phát triển các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và đang muốn sở hữu thêm những loại mới để ngắm bắn Triều Tiên – trong đó bao gồm các hệ thống phóng tên lửa đạn đạo cơ động – trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột.

Về phần mình, Triều Tiên đã tuyên bố là họ đang phát triển những vũ khí tương tự. Chính phủ Triều Tiên đưa ra tuyên bố này nhân đại hội Đảng Lao động diễn ra trong tháng 1 năm nay, trong đó nhiều báo cáo cho rằng Triều Tiên đã thành lập một trung tâm nghiên cứu mới trực thuộc Viện Khoa học Quốc phòng Quốc gia, chuyên nghiên cứu tên lửa siêu thanh.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, có rất ít thông tin chính thức về quá trình phát triển vũ khí siêu thanh ở cả hai nước này.

Australia

Australia và Mỹ đang hợp tác trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh, và đã từng thử nghiệm một tên lửa siêu thanh (Ảnh: AP)

Australia và Mỹ đang hợp tác trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh, và đã từng thử nghiệm một tên lửa siêu thanh (Ảnh: AP)

Tháng 7/2020, chính phủ Australia đã đưa ra 2 tài liệu quốc phòng để đưa ra định hướng cho Chương trình Đầu tư Thống nhất. Bên trong các tài liệu này có nhắc tới khoản đầu tư 9,3 tỉ đôla Australia (7,1 tỉ USD) phát triển vũ khí siêu thanh và cả hệ thống năng lượng định hướng.

Trước đó nữa, chính phủ nước này cũng cam kết chi 730 triệu đôla Australia để phát triển khoa học và công nghệ mục tiêu, bao gồm vũ khí siêu thanh, các bộ cảm ứng tiên tiến và vũ khí năng lượng định hướng.

Nhận thức rõ về sự thay đổi cán cân sức mạnh nhanh chóng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chính phủ Australia muốn chắc rằng họ sẽ không bị loại sớm trong một cuộc xung đột hiện đại.

“Đe dọa, cạnh tranh và các hoạt động vùng xám đã trực tiếp hoặc gián tiếp nhắm vào các lợi ích của Australia” – tài liệu mới cho hay –“Những khả năng quân sự ngày càng tăng trong khu vực, và tốc độ mà chúng được triển khai, đã chỉ ra rằng Australia không thể tiếp tục phụ thuộc vào một lời cảnh báo kịp thời nữa”.

Australia đã bắt đầu nghiên cứu các chuyến bay siêu thanh được vài năm, đáng chú ý nhất là chương trình Thử nghiệm Nghiên cứu Bay Siêu thanh Quốc tế, viết tắt là HIFiRE, bắt đầu từ năm 2007. Chương trình này là sự phối hợp giữa Tổ chức Khoa học và Công nghệ Quốc phòng, trường ĐH Queensland, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân Mỹ cùng các đối tác BAE Systems và Boeing.

Mục đích của HIFiRE là hiểu sâu về những công nghệ cần thiết để thực hiện chuyến bay siêu thanh kéo dài và giải quyết các vấn đề khoa học liên quan. Xét về quốc phòng, HIFiRE được kế nhiệm bởi một chương trình khác, có tên Chương trình Thí nghiệm Nghiên cứu Bay Tích hợp Southern Cross, hay SCIFiRE, hợp tác với Mỹ, được công bố vào tháng 12/2020.

Khoản đầu từ cho SCIFiRE lấy từ 9,3 tỉ đôla Australia nêu trong Kế hoạch Cấu trúc Lực lượng. Chương trình này đặt mục tiêu là phát triển và thử nghiệm một nguyên mẫu tên lửa hành trình siêu thanh, tăng cường hợp tác với Mỹ trong nghiên cứu động cơ phản lực, động cơ tên lửa, các bộ cảm biến và vật liệu tiên tiến trong vòng 15 năm.

Mẫu tên lửa được dự kiến xuất xưởng sẽ là tên lửa tấn công có độ chính xác cao, đạt vận tốc Mach 5, được nhập biên chế vào cuối những năm 2020 hoặc đầu những năm 2030.

Về mua sắm, Australia vẫn chưa công bố một chương trình mua sắm vũ khí siêu thanh chính thức. Tuy nhiên, Kế hoạch Cấu trúc Lực lượng đưa ra dự báo rằng, Australia mong muốn sở hữu khả năng tấn công tầm xa, tốc độ cao và tên lửa mới.

Kế hoạch Cấu trúc Lực lượng cũng đề cập tới việc phát triển các vũ khí năng lượng định hướng. Chúng sẽ được lắp đặt trên các phương tiện thiết giáp chiến đấu để tiêu diệt phương tiện của địch thủ, bao gồm cả xe tăng chủ lực. Loại vũ khí này cũng có thể được sử dụng để bảo vệ các tàu hải quân.

Pakistan

Pakistan đang có nhiều kế hoạch phát triển vũ khí siêu thanh và năng lượng định hướng (Ảnh: Getty)

Pakistan đang có nhiều kế hoạch phát triển vũ khí siêu thanh và năng lượng định hướng (Ảnh: Getty)

Hiện chưa rõ Pakistan đang phát triển vũ khí siêu thanh và DEW tới mức độ như thế nào, nhưng trong tháng 10, Tư lệnh Hải quân Zafar Mahmood Abbasi từng tiết lộ về kế hoạch trang bị cho các chiến hạm tương lai của nước này các hệ thống DEW và tên lửa siêu thanh P282.

“Trong lĩnh vực siêu thanh, tên lửa đạn đạo diệt hạm tầm xa, tấn công đất liền và lắp đặt trên tàu P282 đang được phát triển” – ông Abbasi nói vào thời điểm đó, và Viện Nghiên cứu và Phát triển Hải quân mới được thành lập hiện đang phát triển “các vũ khí năng lượng định hướng laser”.

Thế nhưng, chi tiết về những chương trình này không được tiết lộ thêm.

Liệu các chiến hạm của Pakistan có đủ khả năng sản sinh năng lượng để vận hành DEW hay không còn tùy thuộc vào các chương trình phát triển của Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Pakistan đã đặt mua nhiều tàu khu trục Type 054A/P (tương tự như các tàu đang hoạt động trong quân đội Trung Quốc) và các tàu hộ tống cỡ nhỏ Milgem (tương tự lớp Ada của Thổ Nhĩ Kỳ), và cũng đang thiết kế tàu khu trục lớp Jinnah (có khả năng là giống lớp Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ).

Theo giới chuyên gia, khả năng DEW của Pakistan có thể có được vào giữa thập kỷ này bởi công nghệ siêu thanh là rất cấp thiết đối với họ để có thể có thêm những lựa chọn răn đe đối với Hải quân Ấn Độ.

Mặc dù Pakistan đã mua nhiều tên lửa siêu thanh chống hạm CM-302/YJ-12 để trang bị cho các tàu khu trục Type 054A/P, nhưng P282 sẽ tạo cho Pakistan “bước nhảy vọt” tới mức sáng ngang với Ấn Độ - bên hiện đã sở hữu nhiều biến thể tên lửa vượt âm BrahMos và đang phát triển tên lửa siêu thanh BrahMos II.

Hiện chưa rõ P282 sẽ là một tên lửa hành trình siêu thanh (giống như Zircon của Nga) hay một dạng phương tiện lướt siêu thanh. Nhưng theo James Acton, giám đốc Chương trình Chính sách Hạt nhân tại Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment, rất có khả năng nó sẽ là một tên lửa đạn đạo lắp đặt cho tàu.