Theo đó, kết thúc giai đoạn 1 của vụ án, Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố 105 bị can. Trong đó, truy nã 12 bị can, tạm đình chỉ điều tra 13 bị can.
Tại Kết luận điều tra số 829/ANĐT, Công an tỉnh Phú Thọ đã đề nghị truy tố tổng số 92 bị can, với tổng số 7 tội danh. Bao gồm các tội Tổ chức đánh bạc; đánh bạc, Mua bán trái phép hóa đơn, Rửa tiền, Đưa hối hộ, Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi thành công vụ.
Trong 92 bị can này, hai bị can Nguyễn Văn Dương và Lưu Thị Hồng bị đề nghị truy tố với tội danh “Đưa hối lộ” với số tiền (được thể hiện tại Kết luận điều tra) là khoảng 700 triệu đồng.
Tuy nhiên, Kết luận điều tra cho biết cơ quan điều tra chưa thể làm rõ hành vi nhận hối lộ của các đối tượng liên quan.
Hai bị can cấp tướng thuộc Bộ Công an là cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa - cựu Cục trưởng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) đều bị đề nghị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Đáng lưu ý, tại thời điểm bị khởi tố, tạm giam, ông Nguyễn Thanh Hóa bị bắt về tội Tổ chức đánh bạc.
Hai bị can là cựu tướng Công an này bị cáo buộc đã chỉ đạo cấp dưới tham mưu ban hành Quyết định số 158/QĐ-C41 (C50) ngày 14/5/2015 về việc thành lập công ty bình phong (Công ty CNC) thuộc C50 trái với Quyết định của Bộ Công an. Đồng thời cho công ty CNC được thuê sử dụng trụ sở số 10 Hồ Giám (quận Đống Đa, TP Hà Nội) do Tổng Cục Cảnh sát quản lý. Từ đó, các đơn vị chức năng lầm tưởng Công ty CNC là công ty nghiệp vụ của Tổng Cục cảnh sát, để tạo vỏ bọc cho Nguyễn Văn Dương và các đồng phạm tổ chức đánh bạc trên mạng internet được thuận lợi.
Ông Phan Văn Vĩnh chịu cáo buộc biết Công ty CNC hoạt động tổ chức đánh bạc, nhưng không ngăn chặn, xử lý mà còn ký văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tạo điều kiện cho Công ty CNC hoạt động. Ông Vĩnh cũng chỉ đạo ông Nguyễn Thanh Hóa ký văn bản đề xuất lãnh đạo Bộ Công an cho Công ty CNC tiếp tục hoạt động đánh bạc, đồng ý bút phê vào văn bản hợp thức ngày 12/10/2011 để che giấu góp vốn bằng lợi thế nghề nghiệp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và ảnh hưởng đến uy tín của ngành công an.
Việc che dấu sai phạm của ông Phan Văn Vĩnh còn thể hiện ở chỗ, khi Công ty CNC bị phát hiện đang vận hành game đánh bạc trá hình, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, lãnh đạo Bộ Công An yêu cầu báo cáo, ông Phan Văn Vĩnh không chấp hành. Sau khi bị nhắc nhở thì mới chỉ đạo C50 báo cáo lãnh đạo Bộ, nhưng là báo cáo không đúng sự thật và không cũng chỉ đạo ngăn chặn hành vi tổ chức đánh bạc.
Về số tiền phạm tội, Kết luận điều tra của Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, đường dây tổ chức đánh bạc qua game bài Rikvip/Tip.club do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu gồm 25 “đại lý cấp 1”, 5.877 “đại lý cấp 2” và 42.956.718 tài khoản tham gia đánh bạc
Tổng doanh thu tổ chức đánh bạc trực tuyến đã chứng minh được của đường dây này là hơn 9.853,2 tỷ đồng.
Trong đó, đã chi trả thưởng cho đối tượng đánh bạc, chi phí quản lý, trả lương và nộp thuế của các công ty vận hành là 3.709 tỷ đồng. Nhóm các đối tượng phạm tội hưởng lợi hơn 4.713 tỷ đồng.
Số tiền này phân chia như sau, nhóm Phan Sào Nam (Công ty VTC Online.) hưởng lợi hơn 1.475 tỷ đồng. Nhóm Nguyễn Văn Dương (Công ty CNC) hưởng lợi hơn 1.655,4 tỷ đồng, nhóm Hoàng Thành Trung, Phan Anh Tuấn và Lê Văn Kiên (đang trốn truy nã) hưởng lợi hơn 1.574 tỷ đồng.
Hiện, cơ quan điều tra đã tạm giữ, kê biên số tài sản trị giá hơn 1.343 tỷ đồng của các bị can và những người có liên quan để đảm bảo việc thi hành án.
Kết luận điều tra của Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, do tính chất phức tạp của vụ án, Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật ở giai đoạn 2 của vụ án đối với các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu liên quan hành vi tổ chức đánh bạc, đánh bạc, rửa tiền, mua bán trái phép hóa đơn, đưa và nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và các hành vi khác vi phạm pháp luật.