Phát biểu ý kiến của mình, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhận định, việc xét xử vụ án chạy thận tại Bệnh viện Hòa Bình đang diễn ra là “rất ảnh hưởng đến ngành y tế”.
Tuy thế, đại biểu Lợi dường như không chắc chắn cho lắm về quan điểm của mình. Ông vừa tin, vừa nghi hoặc về trường hợp bác sĩ Hoàng Công Lương. “Tôi tin bác sĩ Hoàng Công Lương có thể vô tội” – đại biểu Lợi phát biểu trước Quốc hội.
Từ đây, ông Lợi đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến “phải” nói thêm về vấn đề này.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi. Ảnh: Quốc hội
|
Thực tế, khi xảy ra vụ việc 8 bệnh nhân tử vong (hiện đã là 9 bênh nhân) do chạy thận tại Bệnh viện Hòa Bình, Bộ trưởng Tiến đã trực tiếp tới bệnh viện này và có một số chỉ đạo. Khi phiên xét xử diễn ra, lãnh đạo cấp cao của Bộ Y tế cũng xuất hiện trong tư cách quan sát, hoặc nhân chứng.
Tuy nhiên, đúng là Bộ trưởng Tiến chưa lần nào có ý kiến trực tiếp tại nghị trường về sự cố nghiêm trọng này của ngành y.
Trở lại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay 26/5, ý kiến của đại biểu Lợi đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận.
Bấm chuông ngay khi đại biểu Lợi vừa dứt lời, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng, việc nhận định vụ án có oan sai, bình luận bị cáo “có tội” hay không “có tội” thời điểm này, theo ông là không thích hợp.
Rất cảm tính, ảnh hưởng tới việc xét xử, định hướng dư luận không đúng… – là những nhận định khá gay gắt của đại biểu Sinh tranh luận với ý kiến của đại biểu Lợi.
Cụ thể, đại biểu Sinh cho rằng, “Định hướng dư luận, tạo sức ép không đúng đắn cho việc giải quyết vụ án theo quy định pháp luật là việc không phù hợp. Nếu đại biểu thấy có cơ sở và căn cứ giúp các cơ quan pháp luật làm sáng tỏ vụ việc thì pháp luật cũng có cơ chế để việc tham gia ý kiến một cách chính danh, xác đáng”.
Cũng lập tức bấm nút muốn tranh luận với ý kiến của đại biểu Sinh, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn – đoàn Hà Nội – cho rằng, ông và nhiều đại biểu trong ngành y rất quan tâm đến vụ án. Và đòi hỏi (đại biểu Tuấn dùng từ này - PV) sự minh bạch, khách quan, công tâm, minh bạch tại phiên tòa xét xử vụ chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình đang diễn ra.
Đại biểu Tuấn nhấn mạnh “Không thể quy tội cho một người là thiếu trách nhiệm khi họ thực hiện theo một quy trình không có, hay nói đúng hơn mới có từ tháng 4/2018 vừa qua. Không thể quy tội cho một bác sĩ chỉ biết cứu người và kỹ năng họ không được đào tạo, được giao là chuẩn hóa nguồn nước trong quy trình chạy thận nhân tạo”.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn. Ảnh: Quốc hội
|
Ý kiến đại biểu Tuấn nhận được sự tán thành của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan – đoàn Tp.HCM.
Tranh luận với ý kiến đại biểu Sinh, bà Lan khẳng định phát ngôn của đại biểu Quốc hội là trên quyền của người đại diện của nhân dân. Đồng thời, mỗi đại biểu chịu trách nhiệm với phát ngôn như vậy của mình.
Dẫn lại vụ thuốc chữa ung thư giả tại Công ty VN Pharma, đại biểu Lan đặt vấn đề nếu không có ý kiến đại biểu, liệu vụ án này có được xem xét với đúng bản chất của nó?
Do đó, đại biểu Lan nhấn mạnh các ý kiến phát biểu (của đại biểu Lợi, đại biểu Tuấn) là chỉ có tính chất cảnh báo, không mang tính chất định hướng cho tòa.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: Quốc hội
|
“Tòa cũng là con người, có thể có sai lầm mà nếu không có những phân tích, những can gián thì có thể dẫn tới quyết định sai” – đại biểu Lan nhấn mạnh.
Trong màn tranh luận của 3 đại biểu, Bộ trưởng Tiến không có ý kiến phát biểu chính thức.
Trước đó, ngày 25/5, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, bà Tiến cho biết bộ đang “theo dõi sát diễn biến” phiên tòa sơ thẩm xử vụ chạy thuận nhân tạo tại bệnh viện đa khoa Hòa Bình.
Được biết, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan từng là giảng viên đại học, Phó Chủ nhiệm bộ môn Hóa hữu cơ thuộc Khoa Dược của Đại học Y Dược, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Hội Dược, Phó Chủ tịch Hội Đông y đều của Tp.HCM. Hiện bà Lan là Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm Tp.HCM Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn hiện là Phó giáo sư, Tiến sĩ, Giám đốc Bệnh viện tim Hà Nội. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh có bằng Luật, hiện là Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình khóa XIII, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. |