- Thời gian gần đây dư luận xôn xao về việc tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) một lãnh đạo cấp huyện có 10 người là người thân được bổ nhiệm vào các vị trí then chốt của các phòng, ban. Thưa luật sư, việc này có bị cấm trong các quy định của pháp luật hay không?
Luật sư Trần Đình Triển: Đảng và Nhà nước ta xác định mọi vấn đề hoạt động của Đảng và Nhà nước cũng như việc chấp hành pháp luật, công tác tổ chức cán bộ là vô cùng quan trọng, là nguồn gốc của mọi sự thắng lợi. Do đó, công tác tổ chức cán bộ luôn được quan tâm coi trọng.
Về phương diện tổ chức Đảng đã có những văn bản rất cụ thể, đầy đủ về công tác tổ chức cán bộ từ việc tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, kỷ luật hoặc thôi việc…
Về phương diện pháp luật, Nhà nước ta cũng đã có nhiều quy định về pháp luật rất cụ thể, đó là Bộ Luật lao động hay Luật Viên chức, Luật Công chức… Các văn bản đó luôn thể hiện làm thế nào cho bộ máy của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là bộ máy nhà nước phải chọn được những cán bộ có tài, có đức, có tầm để lãnh đạo về chính quyền và các cơ quan nhà nước.
Như vậy có thể nói các đường lối chính sách của Đảng không còn gì để thắc mắc là đầy đủ hay không đầy đủ nữa. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng nó có những vấn đề mà lâu nay phương tiện thông tin báo chí phản ánh nơi nọ nơi kia có vấn đề như: việc cục bộ địa phương gia đình chủ nghĩa trong công tác tổ chức cán bộ; việc tuyển dụng cán bộ không đủ năng lực trình độ, nhiều trường hợp bằng giả, không phù hợp với nghề chuyên môn được tuyển dụng; khi tuyển viên chức có tiêu cực, thậm chí mang tính hình thức…
Với trường hợp ở huyện Mỹ Đức, điều dẫn đến việc trong một huyện mà rất nhiều người họ hàng nắm vị trí then chốt ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất, phải xem việc đề bạt tuyển dụng như vậy có trái pháp luật hay không, có đủ năng lực hay không, có tính địa phương chủ nghĩa, cục bộ và gia đình chủ nghĩa trong công tác tổ chức cán bộ hay không?
Còn nếu trường hợp bản thân họ là những người có đủ năng lực, có đầy đủ trình độ hơn những người khác và bản thân họ thật sự cống hiến vì dân vì Đảng, công tác tổ chức cán bộ làm đúng, làm đủ thì tôi cho rằng cũng không sai.
Luật sư Trần Đình Triển. (Ảnh:PLĐS) |
Cái quan trọng là tiêu chuẩn của cán bộ. Tránh trường hợp đáng lẽ vị trí này người này xứng đáng hơn nhưng lại đưa người quen vào thì đó mới là lỗi chúng ta cần phải xem xét.
Vấn đề người ta đang quan tâm là việc ở Mỹ Đức công tác tổ chức cán bộ ở đó có làm đầy đủ quy trình theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và trong quá trình tổ chức như vậy có trở thành bộ máy khép kín của gia đình chủ nghĩa và thực hiện trái đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và bỏ qua những quyền lợi của nhân dân hay không, do đó cần phải xem xét.
Còn nếu họ làm đúng, trong quá trình thực hiện khách quan để giải quyết mọi yêu cầu và không có tính địa phương cục bộ, gia đình chủ nghĩa thì cũng không có vấn đề gì.
Vì vậy trong trường hợp dư luận nêu lên, cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước phải xem xét lại quá trình bổ nhiệm, đề bạt đó tại huyện Mỹ Đức và có gia đình chủ nghĩa, thực hiện trái đường lối của Đảng, Nhà nước hay không để xử lý nghiêm minh.
- Trả lời báo chí về việc bộ máy của huyện có tới 10 người thân của một cán bộ, đại diện huyện ủy Mỹ Đức cho biết công tác tổ chức tuyển chọn cán bộ chặt chẽ và đúng quy trình. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?
Luật sư Trần Đình Triển: Việc vừa qua sau khi thông tin báo chí đưa tin, đại diện của huyện trả lời trước nhân dân cho rằng đã thực hiện đầy đủ các bước, tiến hành công tác tổ chức cán bộ chặt chẽ... đây là trả lời của Mỹ Đức.
Bây giờ trong trường hợp này, cấp ủy Đảng của TP Hà Nội và Bộ Nội vụ cần phải phối hợp với các ban, ngành để điều tra đầy đủ, cụ thể các bước đó xem đúng hay sai. Việc bổ nhiệm có thể đúng.
Họ có thể làm theo cách bỏ phiếu nhưng nếu bỏ phiếu ở đây thì là người trong gia đình bỏ phiếu cho nhau thì sao? Việc này là đúng nhưng rõ ràng nhiều khi cái đúng đó mang tính hình thức cho nên cần phải xem xét.
Hơn nữa có sự can thiệp quyền uy từ người lãnh đạo không? Và trong quá trình như vậy có gì không thực hiện đúng đường lối của Đảng và làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước và nhân dân hay không? Từ đó mới đưa ra được đánh giá.
Còn về phương diện khiếu nại tố cáo thì cấp ủy Đảng, chính quyền của Mỹ Đức đang là đối tượng được cơ quan có thẩm quyền xem xét lại quá trình đó cho nên trả lời đó chỉ mang tính tham khảo. Kể cả bây giờ bỏ phiếu trong cơ quan có 5-6 người nhà thì việc đó có đảm bảo tính khách quan không?
- Thưa Luật sư, tại một cơ quan, đơn vị hành chính mà có tới 10 người nắm các vị trí chủ chốt ở các phòng ban, liệu như vậy có dẫn đến việc nể nang, né tránh, dễ dãi trong công việc?
Luật sư Trần Đình Triển: Hiện pháp luật không quy định trong cơ quan nhà nước được có bao nhiêu người thân quen. Tuy nhiên, khi đã đặt ra thì cần phải xem xét.
Ví dụ, người ta quy định trong một doanh nghiệp ông làm Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị thì vợ, con, người thân không được làm kế toán trưởng… Còn các cơ quan nhà nước lại không nói rằng bao nhiêu người trong gia đình không được làm trong một cơ quan nào.
- Sau khi báo chí đăng tin, nhiều ý kiến cho rằng việc “cả họ làm quan” không chỉ có ở Mỹ Đức mà nhiều địa phương khác cũng có. Vậy theo ông cần phải làm gì với hiện tượng này?
Luật sư Trần Đình Triển: Việc này không chỉ ở Mỹ Đức. Bây giờ nếu chúng ta điều tra lại một cách tổng thể từ phường, xã, quận, huyện đến tỉnh thì cũng không ít trường hợp như vậy.
Do đó việc quan trọng qua sự việc ở Mỹ Đức, về phương diện Đảng, Nhà nước cần có một văn bản hướng dẫn, quy định trong việc tuyển dụng đối với người thân quen như thế nào cho đảm bảo tính khách quan.
Giả sử người ta là anh em nhưng họ có năng lực thật sự, có đạo đức, cống hiến vì nước vì dân thì việc cho rằng do thân quen hay là em ruột của ông nọ ông kia không được giữ chức vụ thì cũng vi phạm quyền công dân.
- Xin cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi!
Theo Infoet