Trong khi việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính Nhà nước là mắt xích quan trọng của việc thi hành bản án tranh chấp hợp đồng môi giới bất động sản giữa Công ty CP Bách Đạt An và Công ty CP đầu tư Hoàng Nhất Nam, thì đến nay, chủ đầu tư - Công ty CP Bách Đạt An vẫn phớt lờ nghĩa vụ tài chính đối với dự án Bách Đạt 1. Vì thế, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt – Trưởng Văn phòng Luật sư Phiệt và Cộng sự - về vấn đề này.
Luật sư Trương Công Nguyễn Anh Phiệt – Trưởng Văn phòng Luật sư Phiệt và Cộng sự |
Hành vi bị nghiêm cấm
- Cơ quan thuế Quảng Nam có thông báo về việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với dự án Bách Đạt 1 đến chủ đầu tư - Công ty CP Bách Đạt An đã quá hạn 30 ngày. Ông có thể cho biết, việc chậm nộp tiền sử dụng đất đã vi phạm những quy định nào?
Luật sư Anh Phiệt: Theo quy định của Luật đất đai năm 2013, doanh nghiệp không nộp đúng và đủ theo thông báo thuế giai đoạn 1 trong thời gian 30 ngày, thì đã vi phạm pháp luật tại khoản 7, điều 12, Những hành vi bị nghiêm cấm: “7. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước”.
- Theo luật định, cơ quan chức năng sẽ xử lý hành vi này ra sao?
Luật sư Anh Phiệt: Cũng theo quy định tiếp theo tại tại khoản 3, Điều 98 - Nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: “3. Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, khi chưa hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước thì chắc chắn doanh nghiệp chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
- Trong việc thi hành án trong vụ tranh chấp hợp đồng môi giới BĐS giữa Bách Đạt An và Hoàng Nhất Nam, thì việc Bách Đạt An không thực hiện nghĩa vụ tài chính đang kéo theo những hệ luỵ gì và hướng giài quyết vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Luật sư Anh Phiệt: Việc thông báo thuế chia thành hai giai đoạn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ qua thời điểm hết hạn giai đoạn 1; cũng có thể doanh nghiệp đã có văn bản xin gia hạn, hoặc nộp 100% số tiền vào thời điểm cuối giai đoạn 2 và đã được chấp thuận, nên cần phải chờ đến thời điểm hết hạn theo luật định.
Việc không thực hiện nghĩa vụ tài chính sẽ khiến thời gian thi hành án dài thêm và quyền lợi của khách hàng tiếp tục bị xâm phạm.
Sự kiện phát sinh giữa 2 doanh nghiệp dẫn đến số tiền (tạm gọi là) “mua đất” của người dân đã bị chiếm giữ trái ý chí của khách hàng tại 2 doanh nghiệp. Tại thời điểm thực hiện nghĩa vụ của mình, khách hàng gần như đã thực hiện xong nghĩa vụ, trong đó có nghĩa vụ ngân sách nhà nước, trừ trường hợp có thỏa thuận khác đi.
Theo lời của người đại diện pháp luật của đơn vị môi giới - Công ty CP đầu tư Hoàng Nhất Nam - thì đơn vị này đang nắm giữ một phần số tiền này, đây có thể xem là tài sản của khách hàng. Nếu Hoàng Nhất Nam được sự đồng ý của khách hàng thì chuyển số tiền này cho cơ quan quản lý thuế, để đảm bảo quyền lợi của chính mình, thông qua cơ quan trung gian là Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Nam, và nếu điều này được thực thi thì sẽ thuận lợi cho cả 4 bên tham gia thi hành bản án có hiệu lực pháp luật, quyền lợi của khách hàng cũng sẽ được bảo vệ tối đa.
Cần có động thái quyết liệt
- Sự việc Bách Đạt An "bẻ kèo" hợp đồng môi giới, bất hợp tác với cơ quan chức năng trong thi hành án đang dấy lên quan ngại, là những vụ việc tương tự có thể xảy ra ở bất cứ dự án nào trên địa bàn, do bản chất hoạt động đầu tư của hầu hết các dự án BĐS ở Quảng Nam không khác mấy vụ việc của Bách Đạt An và Hoàng Nhất Nam. Ông suy nghĩ gì về điều này?
Luật sư Anh Phiệt: Qua sự kiện tranh chấp giữa chủ đầu tư và các bên tham gia giao dịch chưa đủ điều kiện thực hiện đưa sản phẩm bất động sản ra kinh doanh theo Luật kinh doanh BĐS, thì các cơ quan quản lý nhà nước đã có những động thái tích cực hơn trong thời gian qua.
Theo tôi, các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Sở Xây dựng, có thể ban hành nhiều văn bản có nội dung cảnh báo cho các chủ đầu tư, cũng như các môi giới không chuyên nghiệp về những hành vi sai phạm. Trong trường hợp tiếp tục tái phạm thì với những căn cứ pháp lý có được, cơ quan chức năng sẽ xử phạt vi phạm.
Thậm chí, khi thiệt hại xảy ra có tính chất nghiêm trọng, không thể khắc phục được... thì có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra, xét xử và có một bản án đủ sức răn đe đối với chủ đầu tư vi phạm, gây mất trật tự trị an trên địa bàn, cũng như có thể gây mất niềm tin của người dân vào sự quản trị của các sở ngành tại địa phương đó.
Chính quyền cần có hành động cảnh báo sớm để ngăn chặn những hoạt động trái quy định pháp luật của cá nhân, doanh nghiệp trong kinh doanh loại hàng hóa đặc biệt này. Lớn hơn nữa là ngăn chặn những hệ luỵ có thể diễn ra như vụ việc giữa Bách Đạt An và Hoàng Nhất Nam.
Khách hàng chất vấn lãnh đạo đơn vị môi giới - Công ty CP đầu tư Hoàng Nhất Nam về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với ngàn khách hàng trong vụ án |
- Nếu không có biện pháp cứng rắn, theo ông hệ luỵ của sự việc này sẽ ra sao? Nhất là niềm tin của dư luận về vai trò quản lý, giám sát của cơ quan chức năng?
Luật sư Anh Phiệt: Các công cụ quản lý nhà nước phải tuân thủ quy định pháp luật. Không thể hình sự hóa một giao dịch dân sự và ngược lại, không thể xem việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai mà gây hậu quả nghiêm trọng là một giao dịch dân sự thuần túy được.
Tuy nhiên, thiệt hại như thế nào và định lượng ra sao để cấu thành một tội danh thì cần phải theo trình tự tố tụng chặt chẽ.
Khách hàng đã mua đất của chủ đầu tư là Bách Đạt An cần tin tưởng vào hoạt động của cơ quan chức năng để quyền lợi của mình được đảm bảo.
- Theo ông, cơ quan chức năng Quảng Nam nên có hành động gì để chấn chỉnh tình trạng chây ỳ của chủ đầu tư và để đảm bảo quyền lợi chính đáng của khách hàng?
Luật sư Anh Phiệt: Sau khi khách hàng thực hiện 100% nghĩa vụ của mình, thì quyền lợi cũng phải được pháp luật đảm bảo. Phần tiền thu của khách hàng do Hoàng Nhất Nam nắm giữ đủ để thực hiện phần nghĩa vụ về ngân sách nhà nước, phần còn lại để đưa vào hạ tầng của khu đô thị.
Khách hàng căng băng rôn yêu cầu Bách Đạt An hoàn thành nghĩa vụ tài chính để cơ quan chức năng Quảng Nam ra sổ, giao đất cho người mua |
Với phần tiền mà Bách Đạt An nhận được từ khách hàng thông qua Hoàng Nhất Nam, nếu sổ quỹ tiền mặt/tiền ngân hàng hoặc tài sản khác hình thành từ nguồn tiền này bị sử dụng trái mục đích theo quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt, trái ý chí của khách hàng (khách hàng giao tiền để đạt mục đích nhận đất có sổ) thì đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Khi đó, với các chế tài đã có, cơ quan chức năng cần thể hiện chức năng và quyền hạn của mình.
Theo tôi, các cơ quan chức năng của Quảng Nam cần có động thái quyết liệt để tránh sự việc tương tự có thể xảy ra, ảnh hưởng đến an ninh trật tự cũng như môi trường đầu tư ở địa phương.
Khách hàng có thể đề nghị cơ quan tố tụng tỉnh Quảng Nam xem xét, điều tra để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình được bảo vệ hữu hiệu nhất!
- Cảm ơn ông!
Ngày 9/1/2022, ông Ngô Bốn – Cục Trưởng Cục Thuế Quảng Nam – cho biết, tính đến ngày 9/1, quá hạn 30 ngày thực hiện đợt 1, nghĩa vụ tài chính Nhà nước đối với dự án Bách Đạt 1 nhưng chủ đầu tư là Công ty CP Bách Đạt An vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.