Vụ 2 doanh nghiệp lỗ nghìn tỷ mua HAGL Agrico: Ngân hàng nào cấp tín dụng?

Hai doanh nghiệp vừa chịu lỗ nghìn tỷ khi mua "hớ" cổ phiếu HNG của HAGL Agrico đều có cùng chung một chủ nợ VPBank.
Vụ 2 doanh nghiệp lỗ nghìn tỷ mua HAGL Agrico: Ngân hàng nào cấp tín dụng?

Như thông tin đã đưa, hai doanh nghiệp chi nghìn tỷ để mua 59 triệu cổ phần phát hành riêng lẻ củaHNGlà Công ty TNHH Đầu tư cao su An Thịnh và Công ty TNHH Đầu tư cao su Cường Thịnh với số cổ phần mua lần lượt 31,5 và 27,5 triệu cổ phiếu.

Hai doanh nghiệp trên đều do hai cá nhân 8x đứng ra đăng ký kinh doanh.

Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh do ông Nguyễn Công Thành đứng ra đăng ký là chủ sở hữu - Giám đốc công ty. Ông Thành sinh năm 1982. Trong khi đó, Công ty TNHH Đầu tư cao su Cường Thịnh do ông Trần Tiến Pháp làm Chủ tịch. Ông Pháp sinh năm 1983. Cả hai cá nhân này đều có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Long An.

Cả hai doanh nghiệp đều đăng ký lần đầu vào tháng 3/2014, có chung địa chỉ tại lầu 14, số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Trong đó Cao su An Thịnh đăng ký thành lập vào ngày 11/3/2014 và Cao su Cường Thịnh đăng ký lần đầu vào ngày 19/3/2014.

Một thông tin nữa là cả hai doanh nghiệp này đều có vốn điều lệ chỉ … 30 tỷ đồng. Để trả lời cho sự băn khoăn, với vốn điều lệ chỉ 30 tỷ đồng, hai doanh nghiệp nhỏ này lấy đâu ra tiềm lực tài chính để đi thu mua cổ phiếu của HNG, BizLIVE đã có được một số thông tin quan trọng.

Lạ mà quen

Không chỉ dừng lại ở đó, cả Cao su An Thịnh và Cao su Cường Thịnh đều là những cổ đông lớn góp vốn thành lập Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương.

Theo giấy phép kinh doanh mới nhất, Cao su Đông Dương có vốn điều lệ 1.465 tỷ đồng, hiện do Cao su Cường Thịnh nắm giữ 47,17% và Cao su An Thịnh nắm giữ 52,83% vốn điều lệ.

Cao su Đông Dương đang do ông Lê Hồng Phong, sinh năm 1980 giữ vị trí Tổng giám đốc.Ông Phong cũng là Trưởng Ban kiểm soát tạiHAGLAgrico và là Phó phòng Kiểm toán nội bộ Công ty Hoàng Anh Gia Lai.

Ai là chủ nợ?

Theo nguồn tin riêng, đối với Công ty TNHH Đầu Tư Cao Su Cường Thịnh, tính đến thời điểm cuối tháng 1/2016, doanh nghiệp này đang quan hệ với một tổ chức tín dụng duy nhất: Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Hiện VPBank đang cho Cao su Cường Thịnh vay dài hạn gần 450 tỷ đồng, khoản dư nợ này đã được duy trì ít nhất trong 1 năm qua.

Đối với Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh, tổ chức tín dụng đang quan hệ của doanh nghiệp này bao gồm VPBank và VPBank - CN TP.HCM.

Trong đó, VPBank đang cho Cao su An Thịnh vay dài hạn số tiền tương đương với số tiền cho Cao su Cường Thịnh vay: xấp xỉ 450 tỷ đồng.

Ngoài ra, VPBank - CN TP.HCM cũng đang cho Cao su An Thịnh vay ngắn hạn 27 tỷ đồng. Tính tổng dư nợ của Cao su An Thịnh tại hệ thống VPBank tính đến hiện tại là hơn 470 tỷ đồng.

Tuy nhiên, có một điều bí ẩn là Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh và Công Ty TNHH Đầu Tư Cao Su Cường Thịnh - với vốn điều lệ tổng cộng 60 tỷ đồng, đã dùng tài sản từ nguồn nào để có thể thế chấp vay tiền trên 900 tỷ đồng từ VPBank.

TheoBizlive