Ai đứng sau 2 doanh nghiệp “Lê Lai” cứu lỗ nghìn tỷ cho Cty “bầu” Đức?

Có khá nhiều thông tin thú vị đằng sau hai doanh nghiệp nhỏ vừa bỏ nghìn tỷ mua cổ phần của HAGL Agrico.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bỗng dưng lỗ 1.100 tỷ đồng

CTCP Nông nghiệp Quốc tếHoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - mã HNG) vừa cho biết doanh nghiệp đã phát hành xong 59 triệu cổ phiếu, hoàn tất vào ngày 22/2 vừa qua.

Số cổ phiếu này được phát hành riêng lẻ cho 2 đối tác chiến lược với giá 28.000 đồng/cổ phiếu, như vậy HNG đã thu về khoảng 1.652 tỷ đồng.

Công ty TNHH Đầu tư cao su An Thịnh và Công ty TNHH Đầu tư cao su Cường Thịnh với số cổ phần mua lần lượt 31,5 và 27,5 triệu cổ phiếu.

Đợt phát hành này vốn được triển khai từ cuối tháng 10/2015. Tuy nhiên đến 31/12/2015, hạn chót trong phương án chào bán ban đầu, HAGL Agrico vẫn chưa thể chào bán hết 59 triệu cổ phần. Công ty tiếp tục giãn thêm 2 tháng để thực hiện phương án phát hành số cổ phiếu này và thời hạn cuối cùng là đến 24/2/2016.

Tuy nhiên, với cái giá 28.000 đồng/cổ phiếu HNG, có thể nói 2 doanh nghiệp trên “hớ” nặng bởi thị giá của HNG đã về dưới mệnh giá.

Phiên giao dịch ngày 16/2 vừa qua đã đưa cổ phiếu HNG xuống mệnh giá, chỉ còn 9.500 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu doanh nghiệp này tiếp tục suy giảm về 8.300 đồng/cổ phiếu ngày 18/2. Đến ngày 22/2 tức ngày hoàn tất đợt phát hành, giá cổ phiếu HNG đóng cửa ở mức 9.400 đồng/cổ phiếu.

Theo tính toán sơ bộ, với số tiền ban đầu bỏ ra, 2 công ty trên đã lỗ gần 1.100 tỷ đồng.

Ai đứng sau 2 doanh nghiệp “dũng cảm”?

Theo tài liệu mà PV có được, hai doanh nghiệp trên đều do hai cá nhân 8x đứng ra đăng ký kinh doanh.

Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh do ông Nguyễn Công Thành đứng ra đăng ký là chủ sở hữu - Giám đốc công ty. Ông Thành sinh năm 1982.

Trong khi đó, Công ty TNHH Đầu tư cao su Cường Thịnh do ông Trần Tiến Pháp làm Chủ tịch. Ông Pháp sinh năm 1983.

Cả hai cá nhân này đều có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Long An.

Một thông tin nữa khá “độc đáo” khi cả hai doanh nghiệp này đều có vốn điều lệ chỉ … 30 tỷ đồng.

Với 30 tỷ đồng, vì lý do gì hay có một bàn tay khác đứng phía sau mà cả hai công ty chi 1.652 tỷ đồng để mua số cổ phần phát hành riêng lẻ của HNG, để rồi lại chịu lỗ tới 70% số tiền bỏ ra.

Cả hai doanh nghiệp đều đăng ký lần đầu vào tháng 3/2014, có chung địa chỉ tại lầu 14, số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Trong đó Cao su An Thịnh đăng ký thành lập vào ngày 11/3/2014 và Cao su Cường Thịnh đăng ký lần đầu vào ngày 19/3/2014.

Niềm vui của HNG?

Sau một lần gia hạn thời gian phát hành, cuối cùng HNG cũng đã hoàn tất thương vụ.

Nhờ giao dịch trên, HNG sẽ thu về hơn 1.652 tỷ đồng, công ty cũng bổ sung thêm số tiền này vào mục vốn chủ sở hữu.

Thông tin này có thể cứu được HNG khỏi chuỗi phiên dài giảm giá. Đây không chỉ là nỗi buồn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ HNG trên thị trường mà còn là nỗi lo lắng lớn của HAGL.

Được biết, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã HAG) - công ty mẹ đang nắm giữ trên 70% cổ phần HNG. Và 124 triệu cổ phiếu HNG đang được HAG dùng làm tài sản đảm bảo cho 1.650 tỷ đồng trái phiếu của HAG.

Theo cập nhật kết quả kinh doanh của HNG đến thời điểm 31/12/2015, đối với báo cáo tài chính hợp nhất, năm 2015 công ty đạt 4.626,85 tỷ đồng doanh thu bán hàng và 996,07 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Theo Bizlive