Vớt được khung kính tiêm kích Su-22

Bộ đội đặc công nước vớt được phần khung kính máy bay Su-22 và một đoạn thép bị gãy. Việc tìm kiếm các phi công đang được đẩy mạnh và mở rộng phạm vi.
Các tàu tìm kiếm tại khu vực gần đảo Hòn Trứng. Ảnh:Hoàng Trường
Các tàu tìm kiếm tại khu vực gần đảo Hòn Trứng. Ảnh:Hoàng Trường

Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, chỉ huy tại hiện trường tìm kiếm hai tiêm kích Su-22 và phi công mất tích - cho hay, đến 15h ngày 18/4, các chiến sĩ đặc công nước đã vớt được khung kính buồng lái của một trong hai máy bay.

"Sư đoàn Không Quân 370 đang tập trung phân tích, xử lý thông tin bộ phận này để lập phương án tiếp tục tìm kiếm, xác định rõ hơn vị trí máy bay rơi", ông Tuấn nói và cho biết lực lượng đặc công cũng phát hiện một đoạn ống thép dài nhưng đã bị gãy làm đôi.

Trước đó, lãnh đạo Bộ tư lệnh Cảnh sát biển thông tin, gần 60 cảnh sát biển cùng tàu tuần tra 2009 và tàu cứu nạn cứu hộ 9002 đã được điều động từ Cảnh sát biển Vùng 3 (Bà Rịa - Vũng Tàu) đến đảo Phú Qúy tham gia tìm kiếm tiêm kích Su-22.

"Hiện lực lượng cảnh sát biển đang chia làm nhiều nhóm thay phiên lặn, tiếp tục tìm kiếm xung quanh khu vực biển - nơi phát hiện mảnh vỡ nghi là đuôi máy bay vào chiều 17/4, cách phía tây nam đảo Đá Bé một hải lý", Trưởng phòng tác chiến, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho hay. 

Song hành cùng hai tàu tuần tra, cứu hộ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cũng điều động máy bay tuần thám CASA212 bay từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) tham gia. Đây là loại máy bay vận tải quân sự đa nhiệm thế hệ thứ 4, được thiết kế chuyên biệt cho nhiệm vụ tuần thám hải quân hiện đại theo tiêu chuẩn Châu Âu và được mệnh danh là "mắt thần biển Đông". 

Vớt được khung kính tiêm kích Su-22 ảnh 1

Vết dầu loang tại hiện trường hai máy bay mất tích. Ảnh:Hoàng Trường

Trong bờ, hai tàu tuần tra cảnh sát biển cùng hàng chục chiến sĩ trong tư thế sẵn sàng xuất phát đến Phú Qúy. Hiện, phạm vi tìm kiếm các phi công đang được mở rộng ra phía Bắc đảo Phú Quý, nơi Su-22 được cho là mất mục tiêu, cách đảo này từ 10 đến 20 km. Cùng với tàu chuyên dụng được trang bị hiện đại của lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng, hàng trăm tàu cá ngư dân cũng đang tham gia tìm kiếm.

Ông Tạ Minh Nhựt - Phó chủ tịch huyện Phú Qúy (Bình Thuận) - cho biết, công tác tìm kiếm hai máy bay rơi và các phi công, trong ngày thứ ba, đã được Bộ Quốc phòng triển khai từ sáng sớm 18/4. Song song với việc trục vớt phần đuôi tiêm kích Su-22 được phát hiện chiều qua, lực lượng chức năng đang đẩy mạnh công tác tìm kiếm tung tích của hai phi công.

Các chiến sĩ tham gia cứu hộ, cứu nạn vớt mảnh vỡ máy baySu-22. Ảnh:VOV

Các chiến sĩ tham gia cứu hộ, cứu nạn vớt mảnh vỡ máy baySu-22. Ảnh:VOV

Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, phạm vi tìm kiếm các phi công sẽ không khoanh vùng mà được mở rộng. Trong hai ngày qua, rất nhiều khả năng đã được tính đến. Trong đó, không loại trừ khả năng các phi công đã thoát khỏi máy bay khi gặp nạn, dù đã kịp bung ra và bị gió thổi ra xa, nằm ngoài khu vực tìm kiếm. "Với những trang bị hiện đại của các tàu và hàng trăm tàu cá ngư dân tại hiện trường, việc này không quá khó khăn", ông này nói.
 

Mặt khác, lực lượng chức năng cũng xác định có một dòng hoàn lưu chảy từ Lý Sơn xuống đảo Hòn Hải rồi chạy ra ngoài. Vì vậy, vùng quan sát và tìm kiếm phi công sẽ được mở rộng hơn. "Chúng ta tìm được cái gì sẽ trục vớt cái đó, song có hai phần quan trọng hy vọng sẽ tìm thấy là đầu máy bay và ghế phi công. Tìm được đầu máy bay thì sẽ có hộp đen để tìm được nguyên nhân vụ tai nạn. Còn ghế máy bay sẽ cho biết tình trạng phi công lúc bấy giờ", lãnh đạo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, nói.

Theo: VnExpress