Thay vào đó, Volkswagen sẽ tập trung vào các dòng xe chạy điện. Ở thời điểm hiện tại, hãng ôtô Đức đang phát triển một nền tảng mô-đun có tên gọi MEB được thiết kế đặc biệt cho các dòng xe dùng pin. Nhà sản xuất cũng “mạnh dạn’” hứa hẹn sẽ tung ra ít nhất 1 triệu xe điện trên thị trường vào năm 2025.
Trả lời Digital Trends, Christian Senger, người phụ trách mảng xe điện của hãng cho hay: Mục tiêu cuối cùng của Volkswagen là trở thành hãng xe dẫn đầu về công nghệ xe điện trong tương lai.
Từ bỏ công nghệ động cơ diesel sẽ khiến quá trình trở lại phân khúc xe thương mại ở Mỹ của Volkswagen trở nên phức tạp hơn. Các xe tải Amarok và Caddy có thể chỉ cần đến một động cơ xăng nhưng những dòng xe lớn hơn cần phải được trang bị một động cơ diesel tăng áp nhằm tăng sức cạnh tranh.
Bên cạnh thương hiệu Volkswagen, quyết định ngừng bán động cơ diesel tại Mỹ cũng áp dụng cho thương hiệu Audi thuộc sở hữu của tập đoàn nhưng với một ngoại lệ. Chủ tịch Audi Mỹ phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Reuters: “Khi mọi thứ qua đi, chúng tôi sẽ có cơ hội bán ra mẫu SUV Q7 sử dụng động cơ diesel tăng áp”. Tuy nhiên, ông không tiết lộ thời điểm mẫu xe xuất hiện tại đại lý của hãng ở thị trường này.
Năm ngoái, “ông lớn” xe Đức Volkswagen đã rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng sau khi thừa nhận cài đặt phần mềm đặc biệt trên hơn 11 triệu xe diesel toàn thế giới để “qua mặt” những bài thử nghiệm khí thải, trong đó có khoảng 600 nghìn phương tiện tại Mỹ. Theo ước tính, hãng sẽ phải bỏ ra hàng chục tỷ USD để giải quyết những khoản bồi thường và tiền phạt gây ra bởi hành vi “gian lận”.
Ngược lại, các đối thủ lại nhanh chóng “lợi dụng” bê bối khí thải của Volkswagen để tăng lợi nhuận. Chevrolet dự kiến cung cấp một loại động cơ turbodiesel trên ít nhất 4 dòng xe của mình. Trong khi đó, Mazda CX-5 mới cũng sẽ đi kèm một động cơ diesel khi có mặt trên thị trường.
Theo Tạp chí Ôtô XeMáy Việt Nam