Virus Corona có lây qua chó, mèo không?

VietTimes -- Chó, mèo là những vật nuôi, thú cưng hàng ngày của người dân trong gia đình. Tuy nhiên, trước tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (nCoV) diễn biến phức tạp, không ít người dân lo ngại dịch bệnh có thể lây lan qua vật nuôi ở chính gia đình mình.
GS. TS. Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: Minh Thúy
GS. TS. Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: Minh Thúy

Chó, mèo không lây lan nCoV

Lý giải thắc mắc của người dân về nCoV có khả năng lây truyền qua chó, mèo, vật nuôi không, GS. TS. Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Đến thời điểm hiện tại các nhà khoa học chưa tìm ra đường lây lan của nCoV qua các vật nuôi trong gia đình như chó, mèo,… Do đó, nCoV không lây lan qua các vật nuôi ở nhà, mà chủ yếu lây qua đường hô hấp - gây tổn thương tế bào trong niêm mạc phổi, từ đó gây viêm phổi cấp.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh: Đến nay không có bằng chứng cho thấy động vật nuôi như mèo và chó đã bị nhiễm, hoặc làm lây lan nCoV gây bệnh viêm đường hô hấp cấp.

Chó là vật nuôi thường thấy trong mỗi gia đình. Ảnh: Internet
Chó là vật nuôi thường thấy trong mỗi gia đình. Ảnh: Internet

Các điều tra cho thấy SARS-CoV lây truyền từ cầy hương sang người tại Trung Quốc (2002) và MERS-CoV lây từ lạc đà sang người tại Ả Rập Xê Út (2012). Các nhà khoa học chưa xác định được nguồn lây của nCoV từ động vật nuôi trong nhà.

WHO khuyến cáo, để bảo vệ bản thân, khi đi chợ buôn bán động vật tươi sống, người dân cần tránh tiếp xúc trực tiếp với động vật sống và bề mặt tiếp xúc của động vật, cũng như tránh tiêu thụ các sản phẩm động vật sống hoặc chưa nấu chín. Thịt, sữa hoặc nội tạng động vật nên xử lý cẩn thận, tránh lây nhiễm chéo với thực phẩm chưa nấu chín khác.

Ai có thể nhiễm nCoV?

Theo WHO, những người sinh sống hoặc đi đến khu vực nCoV đang lưu hành có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Hiện tại, nCoV đang chủ yếu lưu hành tại Trung Quốc.

Những người nhiễm bệnh tại các quốc gia khác là những người gần đây đã đi đến Trung Quốc, hoặc đang sinh sống/tiếp xúc gần với những người đó, như người nhà, đồng nghiệp hoặc nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân trước khi họ biết bệnh nhân bị mắc viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

Virus Corona. Ảnh: Jiji Press
Virus Corona. Ảnh: Jiji Press

Nhân viên y tế chăm sóc cho người nhiễm nCoV có nguy cơ lây nhiễm cao và phải tự bảo vệ mình bằng các biện pháp dự phòng cũng như kiểm soát lây nhiễm.

Kháng sinh có chống lại nCoV không?

WHO khẳng định, kháng sinh không có tác dụng diệt virus mà chỉ có tác dụng đối với các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Chủng mới của virus Corona là virus, do đó không sử dụng kháng sinh như một biện pháp dự phòng hoặc điều trị.

Thuốc. Ảnh: Internet
Thuốc. Ảnh: Internet

Đến nay, chưa có loại thuốc cụ thể được khuyến cáo để dự phòng hoặc điều trị chủng mới của virus Corona. Tuy nhiên, những người bị nhiễm nCoV nên được chăm sóc thích hợp, chủ yếu điều trị triệu chứng. Người bị bệnh nặng phải được chăm sóc hỗ trợ điều trị tích cực.

Một số phương pháp điều trị cụ thể đang được các nhà khoa học điều tra, thử nghiệm qua các thử nghiệm lâm sàng. WHO cũng đang phối hợp các đối tác để phát triển thuốc điều trị nCoV.

Để chủ động phòng bệnh, người dân cần thường xuyên vệ sinh tay và vệ sinh đường hô hấp, thực hành an toàn thực phẩm, tránh tiếp xúc gần với bất kỳ ai có triệu chứng bệnh hô hấp như ho và hắt hơi. Nếu có các biểu hiện sốt, ho, khó thở, người dân nên đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, điều trị bệnh.