Viettel được giao ổn định đơn giá tiền lương giai đoạn 2016 - 2020

VietTimes -- Bộ LĐTB&XH vừa có thông tư hướng dẫn thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương giai đoạn 2016 - 2020 đối với Tập đoàn Viettel. Theo đó, Tập đoàn Viettel được giao ổn định đơn giá tiền lương tính theo tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có tiền lương trong giai đoạn 2016 - 2020. 
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Bộ LĐTB&XH mới đây đã ban hành Thông tư 33 hướng dẫn thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương giai đoạn 2016 - 2020 đối với Công ty mẹ - Tập đoàn Viettel (Viettel); công ty TNHH một thành viên do Viettel nắm giữ 100% vốn điều lệ; tổng công ty, công ty Viettel nắm trên 50% vốn điều lệ (gọi chung là công ty) theo quy định tại Nghị định 121 ngày 24/8/2016 của Chính phủ thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương đối với Tập đoàn Viettel giai đoạn 2016 - 2020 (Nghị định 121).

Đối tượng áp dụng Thông tư này được thực hiện theo quy định tại Điều 2 Nghị định 121 của Chính phủ, cụ thể là: Người quản lý doanh nghiệp gồm Chủ tịch HĐTV hoặc Chủ tịch công ty, thành viên HĐTV, Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên, TGĐ hoặc GĐ, PTGĐ hoặc PGĐ, Kế toán trưởng của Tập đoàn Viettel, công ty TNHH một thành viên do Viettel nắm 100% vốn điều lệ; Người lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động của Tập đoàn Viettel và công ty TNHH một thành viên do Viettel nắm 100% vốn điều lệ; Người được Tập đoàn Viettel ủy quyền bằng văn bản để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn của Viettel đầu tư tại tổng công ty, công ty do Viettel nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thực hiện các quy định tại Nghị định 121.

Theo đó, bên cạnh việc hướng dẫn Tập đoàn Viettel, Công ty TNHH một thành viên do Viettel nắm 100% vốn điều lệ và các tổng công ty, công ty do Viettel nắm giữ trên 50% vốn điều lệ về quản lý lao động, Thông tư 33 của Bộ LĐTB&XH cũng hướng dẫn việc quản lý tiền lương đối với Tập đoàn Viettel và các đơn vị thành viên, gồm: đơn giá tiền lương; xác định quỹ tiền lương kế hoạch và thực hiện; yếu tố khách quan để xác định quỹ tiền lương thực hiện; tiền lương đối với người quản lý Tập đoàn Viettel, người quản lý công ty.

Cụ thể, về đơn giá tiền lương, Thông tư quy định, Công ty mẹ - Tập đoàn Viettel được giao ổn định đơn giá tiền lương tính theo tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có tiền lương trong giai đoạn 2016 - 2020. Tổng doanh thu, tổng chi phí chưa có tiền lương được xác định bằng toàn bộ doanh thu, thu nhập, các khoản chi phí phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và các hoạt động khác của Viettel.

Khi thực hiện đơn giá tiền lương ổn định theo quy định nêu trên, Tập đoàn Viettel phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện: Hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được Đảng, Nhà nước giao; Nộp ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật; Mức tăng tiền lương bình quân phải thấp hơn mức tăng năng suất lao động bình quân; lợi nhuận thực hiện hằng năm phải cao hơn lợi nhuận thực hiện năm trước liền kề ít nhất 3%.

Với công ty TNHH một thành viên do Viettel nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty được giao ổn định đơn giá tiền lương tính theo chỉ tiêu tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có tiền lương hoặc theo chỉ tiêu tổng sản phẩm hoặc tổng sản phẩm quy đổi trong giai đoạn 2016 - 2020. Trường hợp đơn giá tiền lương giao ổn định tính theo chỉ tiêu tổng doanh thu, tổng chi phí chưa có tiền lương thì chỉ tiêu tổng doanh thu, tổng chi phí chưa có tiền lương được xác định bằng toàn bộ doanh thu, thu nhập, các khoản chi phí phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và các hoạt động khác của công ty.

Những điều kiện mà công ty TNHH một thành viên do Viettel nắm giữ 100% vốn điều lệ phải đảm bảo khi thực hiện đơn giá tiền lương ổn định theo quy định gồm có: Hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được Đảng, Nhà nước giao; Nộp ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật; Mức tăng tiền lương bình quân phải thấp hơn mức tăng năng suất lao động bình quân; Lợi nhuận thực hiện hằng năm không thấp hơn lợi nhuận thực hiện của năm trước.

Cũng theo Thông tư 33, người đại diện phần vốn của Tập đoàn Viettel căn cứ vào nguyên tắc quy định tại Điều 12 Thông tư này để quyết định hoặc tham gia với HĐTV/HĐQT, Đại hội cổ đông quyết định giao ổn định đơn giá tiền lương trong giai đoạn 2016 - 2020 đối với tổng công ty, công ty do Viettel nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Hằng năm, căn cứ vào đơn giá được giao ổn định giai đoạn 2016 - 2020, TGĐ (GĐ) công ty xác định cụ thể các chỉ tiêu kế hoạch tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có tiền lương hoặc tổng sản phẩm hoặc tổng sản phẩm quy đổi, lợi nhuận, năng suất lao động gắn với đơn giá tiền lương được giao, trình HĐTV/HĐQT, hoặc Đại hội cổ đông quyết định.

Đáng chú ý, về phân phối tiền lương, Thông tư 33 nêu rõ, căn cứ vào quỹ tiền lương thực hiện, công ty thực hiện trích lập quỹ dự phòng để bổ sung vào quỹ tiền lương của năm sau liền kề nhằm bảo đảm việc trả lương không bị gián đoạn; mức dự phòng do TGĐ (GĐ) quyết định không được vượt quá 17% quỹ tiền lương thực hiện hàng năm. Căn cứ vào quỹ tiền lương thực hiện và quy chế trả lương, công ty thực hiện trả lương theo năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho từng đơn vị, bộ phận, cá nhân người lao động và người quản lý công ty.