Việt Nam tôn trọng quyền đi lại vô hại gần đảo Tri Tôn

VietTimes -- Ngày 31/1, liên quan tới việc Hải quân Mỹ đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết: Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế.
Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà
Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà

Cụ thể, ông Lê Hải Bình - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - tuyên bố như sau: “Một lần nữa, chúng tôi khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa".

Theo ông Lê hải Bình: "là quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải được thực hiện phù hợp với các quy định có liên quan của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982"

Và "Việt Nam đề nghị tất cả các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế”, người phát ngôn Lê Hải Bình nêu rõ.

Trước đó, ngày 30/1, Hải quân Mỹ thông báo tàu khu trục USS Curtis Wilbur tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhằm bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

Theo ông Bill Urban - Người phát ngôn Lầu Năm Góc - "Tôi xác nhận Bộ Quốc phòng thực hiện quyền tự do hàng hải trên Biển Đông vào ngày 30/1, đặc biệt là tại khu vực đảo Tri Tôn ở quần đảo Hoàng Sa, nhằm thách thức các tuyên bố hàng hải phi lý".

Trung Quốc đã phản ứng khá lớn tiếng với việc Hải quân Mỹ đưa vào vào khu vực này khi cho rằng Mỹ đang vi phạm chủ quyền "không thể tranh cãi" của Trung Quốc trên biển Đông.

Thực tế, Trung Quốc đã chiếm giữ trái phép đảo Tri Tôn của Việt Nam từ năm 1974 đến nay, sau khi đưa tàu chiến tiêu diệt lực lượng Việt Nam đồn trú tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam

Năm 1988, Trung Quốc cũng đưa tàu chiến vô cớ tấn công lực lượng bảo vệ Việt Nam và chiếm nhiều đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Từ đó đến nay, Trung Quốc liên tục có những hành động hành chính hóa và xây dựng công trình lớn như hải đăng, sân bay... trên những đảo chiếm trái phép này. 

Trung Quốc hiện cũng đang nỗ lực đưa lực lượng dân sự, quân sự áp đảo để chèn ép các nước khác nhằm thực hiện chủ quyền với "đường lưỡi bò" mà nước này tự nhận là biên giới trên biển của mình.