Việt Nam tiến lên 4G như thế nào?

 Trong khi dịch vụ công nghệ viễn thông di động 4G đã được cung cấp tại nhiều nơi trên thế giới thì ở Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho biết phải đến năm 2016 mới cấp phép triển khai dịch vụ này.
Nếu phải đợi đến năm 2016 mới cấp phép triển khai dịch vụ 4G thì Việt Nam sẽ bị tụt hậu so với thế giới. Ảnh: MINH KHUÊ
Nếu phải đợi đến năm 2016 mới cấp phép triển khai dịch vụ 4G thì Việt Nam sẽ bị tụt hậu so với thế giới. Ảnh: MINH KHUÊ

Nên cấp phép khi doanh nghiệp có nhu cầu

Theo Liên minh Viễn thông thế giới, công nghệ 4G cho phép truy cập Internet di động với tốc độ nhanh gấp hàng chục lần so với 3G, đáp ứng nhu cầu xem video, nghe nhạc... chất lượng cao trên thiết bị di động. 

Tại cuộc tọa đàm “Việt Nam tiến lên 4G như thế nào?” do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức cách đây chưa lâu, đại diện tập đoàn Qualcomm của Mỹ cho biết đã có 670 nhà mạng trên thế giới đang nghiên cứu, triển khai công nghệ 4G, trong đó, 422 nhà mạng đã cung cấp dịch vụ ra thị trường.

Tại Việt Nam, từ đầu năm nay, Viettel là nhà mạng đầu tiên đề xuất Bộ TT-TT sớm cấp phép cho mạng này cung cấp dịch vụ 4G. Tuy nhiên trước đây, Bộ TT-TT nêu lý do chưa cấp phép 4G là để cho các nhà mạng có thời gian thu hồi vốn đầu tư (vài chục ngàn tỉ đồng) hạ tầng mạng 3G. 

Về phía doanh nghiệp, trao đổi với TBKTSG, ông Lê Đăng Dũng, Phó tổng giám đốc Viettel, cho biết nhà mạng này đã thu hồi vốn 3G từ lâu. Hơn nữa, Viettel kinh doanh ở thị trường nước ngoài cũng đã cung cấp dịch vụ 4G. Ông Dũng cho rằng nếu không sớm cung cấp dịch vụ này thì Việt Nam sẽ bị tụt hậu về công nghệ viễn thông so với thế giới.

Phát biểu tại một hội thảo về thị trường viễn thông được tổ chức tại Hà Nội thời gian gần đây, ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cũng cho rằng về công nghệ, Việt Nam đi chậm so với các nước. Trong khi thế giới đã tới lúc tính chuyện cung cấp dịch vụ 5G thì Việt Nam mới chỉ có 3G...

Tại cuộc tọa đàm nêu trên, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT-TT), cho rằng cơ quan quản lý không nên tư duy theo kiểu chờ doanh nghiệp hoàn vốn 3G rồi mới cấp phép 4G. “Nếu doanh nghiệp có nhu cầu cung cấp 4G thì nên cấp phép sớm. Hoàn vốn hay không là việc của doanh nghiệp”, ông Trực nói.

Trong một dịp trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Ái Việt, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội, đưa ra nhận định: nếu vì lý do chưa thu hồi đủ vốn cho 3G mà để Việt Nam chậm trễ trong xu thế 4G là... không khôn ngoan. Ông cho rằng trong kinh doanh, doanh nghiệp cần tập trung vốn cho những xu hướng kinh doanh lâu dài và tất yếu như 4G.

Ông Việt cũng cho rằng đổi mới công nghệ là nhu cầu tự thân trong môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh. Về mặt thị trường, việc Viettel sớm cung cấp dịch vụ 4G sẽ tạo sức ép lên các nhà mạng chưa năng động. Và cũng không nên để sự chậm chạp của một số nhà mạng làm ảnh hưởng tới chính sách cấp phép cung cấp dịch vụ 4G cho doanh nghiệp có nhu cầu.

Vẫn theo ông Việt, mục tiêu của một thị trường viễn thông cạnh tranh là hướng tới lợi ích của người sử dụng dịch vụ. Trong câu chuyện 4G, nếu chậm trễ, người dùng sẽ bị hạn chế quyền lợi do chính sách bảo vệ hoạt động đầu tư 3G của các nhà mạng.

“Nhà nước cần phải để cho doanh nghiệp hoạt động theo đúng cơ chế thị trường. Chính sách bảo hộ là cần thiết nhưng chỉ nên ở một mức độ nào đó. Cần phải để doanh nghiệp “tập dợt” với môi trường cạnh tranh để đi ra thế giới”, ông Việt nói.

Chưa cấp phép 4G là quá chậm

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Trần Tuấn Anh, đại diện cho Cục Viễn Thông - Bộ TT-TT, cho biết quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đã xác định rõ sau năm 2015 sẽ cấp phép cho công nghệ viễn thông di động thế hệ tiếp theo. 

Có thể năm 2016, Bộ TT-TT sẽ cấp phép 4G cho các doanh nghiệp. Ông cũng cho biết hiện Bộ TT-TT đã nhận hồ sơ xin cấp phép và đang xem xét thời điểm cấp phép thử nghiệm triển khai 4G cho ba nhà mạng.

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT (vừa mới nghỉ hưu), cho rằng Việt Nam chưa cấp phép 4G vì còn chờ quy hoạch băng tần. Thực tế cho thấy đã có nhiều bài học triển khai công nghệ không thành công do băng tần không tốt, như công nghệ CDMA của mạng di động EVN Telecom trước đây.

Ông Thắng còn cho rằng việc cho phép triển khai dịch vụ 4G ra thị trường cần xem xét nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố nhu cầu thị trường. Hiện phần lớn người dùng Việt Nam đang dùng dịch vụ 2G (chỉ nghe gọi và nhắn tin); nhu cầu truy cập Internet, gửi thư điện tử, tải nhạc... thì công nghệ 3G cũng đủ đáp ứng, chưa cần thiết phải có 4G.

Ngược lại, ông Trực cho rằng việc cơ quan quản lý chờ tới khi thị trường có nhu cầu lớn mới cấp phép là chưa hợp lý. Bởi không phải tất cả nhưng đã có một bộ phận người dùng có nhu cầu sử dụng Internet tốc độ và chất lượng cao. Thậm chí, nếu các nhà mạng cung cấp 4G với giá cước cạnh tranh bằng với giá 3G thì người dùng sẵn sàng chuyển sang dùng 4G.

Theo ông Trực, cho đến nay mà Việt Nam vẫn chưa cấp phép 4G là quá chậm. Xét về quá trình triển khai, hoàn toàn có thể vừa quy hoạch băng tần vừa cấp phép để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị hạ tầng và cung cấp dịch vụ ra thị trường, bởi từ khi bộ cấp phép đến khi doanh nghiệp cung cấp được dịch vụ cũng phải mất cả năm, chờ đến năm 2016 mới cấp phép thì càng chậm hơn nữa.

Ông kể lại một kinh nghiệm vào thời điểm Việt Nam triển khai công nghệ di động GSM, lúc đó là sớm so với một số nước trong khu vực, và cũng đã vướng phải ý kiến cho rằng sẽ không có người dùng vì giá cước và giá thiết bị đều đắt. 

Nhưng dần về sau, khi thị trường cạnh tranh, giá cước và giá thiết bị rẻ đi, Việt Nam đã trở thành thị trường bùng nổ thuê bao di động, phổ cập dịch vụ di động nhanh so với thế giới.

Ông Trực nói: “Xã hội luôn có nhu cầu khác nhau, người chỉ nghe gọi và nhắn tin thì chỉ cần sử dụng 2G, người có nhu cầu truy cập Internet thì cần 3G, các doanh nhân lại thích dùng 4G... Nếu cơ quan quản lý chờ đến khi nhu cầu 4G thành nhu cầu lớn trong xã hội mới cấp phép thì đợi đến bao giờ? 

Chờ đợi thêm nữa thì trên thế giới người ta xài 5G luôn rồi. Tôi cho rằng không nên chần chừ làm chậm tiến trình được thụ hưởng dịch vụ tốt của người dân, chưa kể là kéo chậm những tác động lớn, tích cực của dịch vụ này đối với sự phát triển kinh tế”.

Theo TBKTSG