Với tốc độ này, Việt Nam được xếp thứ 77 trên tổng số 147 quốc gia được khảo sát kỳ này và không còn bị liệt vào danh sách những quốc gia có tốc độ kết nối Internet trung bình thuộc vào loại thấp trên thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương như những kỳ khảo sát trước đây của Akamai. Có được thành tích này không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của các nhà mạng trong việc nâng cấp các cơ sở hạ tầng băng rộng tốc độ cao trên toàn quốc cũng như nỗ lực “bình dân” hóa các mức cước phí để thu hút người dùng.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong tổng số 15 quốc gia được Akamai khảo sát thì Việt Nam xếp thứ 11 về tốc độ kết nối trung bình và 12 về tốc độ kết nối đỉnh. Với kết quả này, Việt Nam xếp sau Hàn Quốc (26,3 Mbps), Hồng Kông (20,1 Mbps), Singapore (18,2 Mbps), Nhật Bản (18 Mbps), Đài Loan (14,9 Mbps), Thái Lan (11,7 Mbps), New Zealand (11,3 Mbps), Austalia (9,6 Mbps), Malaysia (7,5 Mbps), Indonesia (6,4 Mbps) và đứng trước Sri Lanka (6 Mbps), Trung Quốc (5,7 Mbps), Philippines (4,2 Mbps) và Ấn Độ (4,1 Mbps). Sở dĩ vị trí của nước ta trong khu vực còn khá khiêm tốn là vì trong khu vực này luôn có tới 3 đến 4 quốc gia (Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông) luôn đứng đầu trong danh sách những quốc gia có tốc độ kết nối internet nhanh nhất thế giới và đương nhiên là cả trong danh sách khu vực.
So với 15 quốc gia được khảo sát thuộc khu vực châu Mỹ thì tốc độ kết nối internet trung bình của nước ta cao hơn cả Brazil, Peru, Ecuador, Panama, Argentina, Colombia, Costa Rica, Bollivia, Venezuala, Paraguay và chỉ kém Mỹ (16,3 Mbps), Canada (13,8 Mbps), Chile (7,3 Mbps), Uruguay (7 Mbps).
Tốc độ truy cập internet trung bình của các quốc gia châu Mỹ. |
So với 13 quốc gia được khảo sát thuộc khu vực Trung Đông và châu Phi thì tốc độ kết nối trung bình của nước ta cao hơn cả Nam Phi, Saudi Arabia, Morocco, Iran, Nigeria, Egypt, Namibia và chỉ kém Israel (12,8 Mbps), Kenya (11 Mbps), Qatar (10,9 Mbps), Các Tiểu vương quốc Ả rập (8,3 Mbps), Kuwait (8 Mbps) và Turkey (6,7 Mbps).
Tốc độ truy nhập internet của Việt Nam cao hơn nhiều quốc gia Trung Đông và châu Phi |
Tuy nhiên, nếu so với khu vực châu Âu thì tốc độ kết nối trung bình của nước ta thấp hơn cả quốc gia có tốc độ kết nối thấp nhất trong tổng số 31 quốc gia được khảo sát. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi lẽ đây vốn là thị trường băng rộng phát triển và đồng đều nhất trên thế giới cả về khả năng triển khai cơ sở hạ tầng băng rộng tốc độ cao từ nhà cung cấp, khả năng chấp nhận sử dụng các dịch vụ chất lượng cao từ phía khách hàng cũng như sự biến của các dòng thiết bị truy cập thế hệ mới.
Tuy vị trí còn khá khiêm tốn nhưng đây được coi là bước tiến “thần kì” của Việt Nam trong quá trình hội nhập vào thị trường băng rộng tốc độ cao trong khu vực và trên thế giới. Với đà triển khai các hệ thống băng rộng tốc độ cao trên nền cáp quang như hiện nay, chắc chắn, tốc độ kết nối trung bình của nước ta sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới.
Không chỉ dừng lại ở đó, tốc độ kết nối đỉnh của nước ta trong quý 3/2016 tăng 5,8% so với quý trước đó và tăng 54% so với cùng kỳ năm trước và đạt 39,2 Mbps, cao hơn 2 Mbps so với mức trung bình của thế giới (37,2 Mbps).
So sánh tốc độ kết nối internet cao nhất của Việt Nam với các quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương |
Cũng theo khảo sát này, có tới 70% kết nối internet của Việt Nam đạt tốc độ từ 4 Mbps trở lên. Với tỉ lệ này, Việt Nam xếp thứ 70/147 quốc gia trên thế giới. Tỉ lệ trung bình toàn cầu là 77%. Tại một số quốc gia châu Á - Thái Bình Dương, tỉ lệ này lên tới 97% tại Hàn Quốc, 95% tại Thái Lan, 93% tại Hồng Kông và Singapore và 92% tại Đài Loan và Nhật Bản.
Tuy nhiên, số lượng kết nối internet đạt tốc độ trên 10 Mbps tại nước ta chỉ đạt tỉ lệ 11%. Tức là trong 100 kết nối internet thì chỉ có 11 kết nối được trải nghiệm tốc độ lớn hơn 10 Mbps. Một tỉ lệ còn thấp so với mức trung bình toàn cầu (37%). Ngoài ra, tỉ lệ kết nối internet đạt tốc độ trên 15 Mbps tại nước ta chỉ đạt tỉ lệ 2,6%.
Theo Xã hội Thông tin