Quan hệ thương mại Việt - Trung luôn là chủ đề nóng trong hàng chục năm nay, đặc biệt là việc cán cân thương mại luôn nghiêng về một phía, theo hướng bất lợi cho Việt Nam. Và gần đây, vấn đề này lại dậy sóng trong dự luận khi trước Quốc hội, đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) khiến cả hội trường sửng sốt khi nêu lên một vấn đề đáng lo ngại, đó là có 20 tỷ USD hàng Trung Quốc xuất sang Việt Nam nhưng không được cơ quan trong nước thống kê. Sự sai lệch này cũng là nguyên nhân chính khiến số liệu nhập siêu theo báo cáo của hai nước vênh tới 15 tỷ USD.
Đáng chú ý, cơ cấu mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà báo cáo của Việt Nam không ghi nhận đa phần là những mặt hàng tiêu dùng hàng ngày. Dẫn báo cáo từ Liên Hợp quốc, nơi có số liệu tương đồng với phía Trung Quốc, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho biết có 10,2 tỷ USD hàng dệt may, da giày từ Trung Quốc sang Việt Nam không được thống kê, bao gồm cả nguyên vật liệu, xơ sợi dệt..., trong đó 6,6 tỷ USD là thành phẩm, tức quần áo may sẵn.
Ông Thành nghi ngại, liệu có tình trạng Việt Nam gia công hàng may mặc chất lượng cao để xuất khẩu sang các nước giàu, nhưng nhập lậu hàng may mặc rẻ tiền từ Trung Quốc.
Tiếp đến là kim loại và sản phẩm từ kim loại với mức chênh lệch 3 tỷ USD, chủ yếu là các dụng cụ làm từ kim loại như dụng cụ ăn uống và các sản phẩm hợp kim. Cùng với đó, báo cáo của Việt Nam chỉ ghi nhận nhập 500 triệu USD hàng nông sản từ Trung Quốc, nhưng phía bên kia báo cáo tới 2,4 tỷ USD. "Người tiêu dùng Việt Nam sẽ thấy quan ngại khi 2,4 tỷ USD chủ yếu là hàng rau quả và thực phẩm chế biến nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam mà Việt Nam không thống kê được", ông cho hay.
Chênh lệch số liệu nhập khẩu hàng nông sản, dệt may, giày dép và kim loại giữa Trung Quốc với Việt Nam lớn nhất. Nguồn:Nguyễn Xuân Thành tổng hợp và tính toán từ cơ sở dữ liệu của thống kê thương mại Liên Hợp quốc(Comtrade.un.org) |
Trong phần trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư thừa nhận thực tế có sự chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu giữa hai nước. Ông lý giải nguyên nhân là do cách thống kê và ghi nhận hàng hóa xuất nhập khẩu của mỗi nước khác nhau, chẳng hạn việc chọn tính theo giá FOB hay CIF, hàng hóa xuất theo đường tiểu ngạch có được tính hay không cũng đã tạo nên sự khác biệt. Vị tư lệnh ngành cũng dẫn chứng không riêng Trung Quốc, số liệu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Singapore, Nga, Bồ Đào Nha cũng phát sinh chuyện này.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thống kê cũng đồng tình sự sai khác giữa con số báo cáo về xuất khẩu từ nước A đến một nước B xảy ra ở hầu hết các quốc gia có quan hệ thương mại với nhau, như Trung Quốc và Mỹ cũng có sự chênh lệch hàng năm. Tuy nhiên, vị này lưu ý là mức độ sai khác giữa Việt - Trung đang ngày càng lớn.
Theo thống kê từ số liệu chính thức của Trung Quốc, năm 2011, nước này xuất siêu sang Việt Nam 18 tỷ USD, nhiều hơn 4,5 tỷ USD so với con số Tổng cục Hải quan Việt Nam ghi nhận. Sang năm 2013 - 2014, mức chênh này tăng lên, lần lượt là 8 tỷ và 15 tỷ USD.
2011 | 2012 | 2013 | 2014 | |
Xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam (số liệu Trung Quốc) | 29,1 | 34,2 | 48,6 | 63,7 |
Nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc (số liệu Việt Nam) | 24,6 | 28,8 | 36,9 | 43,7 |
Đơn vị: tỷ USD. Nguồn: Hải quan Việt Nam, Hải quan Trung Quốc
Đặc biệt, năm 2014, Trung Quốc ghi nhận xuất sang Việt Nam 63,7 tỷ USD, song Việt Nam chỉ ghi nhận 43,7 tỷ USD, tương đương có 20 tỷ USD "không biết đưa đi đâu", nếu số liệu phía Trung Quốc là chính xác. Trong khi đó, những năm trước, mức chênh lệch này cũng xuất hiện, nhưng sai khác của năm 2011 chỉ là 4,5 tỷ USD, 2012 là 5,4 tỷ USD và 2013 là 11,7 tỷ USD.
"Mức chênh lệch lên tới 20 tỷ USD là một hiện tượng đột biến và khiến hầu hết những ai quan tâm đến vấn đề này đều choáng", ông Bùi Trinh nhận định.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng cơ quan trong nước quá "hào phóng" khi để lọt khỏi báo cáo con số hàng tỷ USD, khiến nhà điều hành sẽ không nhận diện đúng tình hình.
Hiện tượng xuất nhập khẩu lậu để lách hàng rào thuế quan là một lý do gây ra sự khác biệt này. "Việc chênh lệch là do nhập lậu. Đây là vấn đề nghiêm trọng, tất nhiên không phải vấn đề của năm 2014 mà là của cả nền kinh tế rất nhiều năm", ông Thiên phát biểu.
Ngoài ra, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh còn phản ánh do một "kỹ thuật" nào đó đã ghi giảm giá trị, đặc biệt là các sản phẩm chịu thuế nhập khẩu hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt cao. "Năm 2014 là năm sản xuất của Việt Nam có chuyển biến tích cực nên lượng nguyên liệu đầu vào, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất lớn, kéo theo cơ hội để làm giảm giá trị càng lớn", ông nhận xét.
Giả sử, nếu số liệu từ Trung Quốc là tin cậy được thì nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu hậu quả rất lớn. Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, những năm qua Việt Nam công bố xuất siêu nhưng có thể lại là nhập siêu, từ đó GDP theo phương pháp sử dụng cuối cùng cũng không tăng trưởng. Ngoài ra, trong trường hợp Việt Nam tạm nhập tái xuất từ Trung Quốc cho nước thứ 3 nhưng khi chủ hàng biến mất, phía Trung Quốc ghi xuất nhưng phía Việt Nam không thể ghi nhập do chưa thông quan mà chỉ ghi nhận như tài sản ngoài bảng, như vậy Việt Nam sẽ trở thành bãi rác thải công nghiệp, cực kỳ nguy hiểm cho môi trường
Không chỉ vậy, việc con số 20 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lọt vào lãnh thổ Việt Nam không qua ghi nhận của các cơ quan chức năng sẽ khiến năng lực cạnh của hàng hóa trong nước yếu đi, bởi đồ "Made in China" không phải chịu thuế sẽ có cơ hội tung hoành, cạnh tranh với hàng hóa trong nước bởi lợi thế giá rẻ.
Để ngăn chặn tình trạng này, theo ông Bùi Trinh, Chính phủ cần có một hàng rào thuế hiệu quả hơn và tăng cường quản lý hải quan để tránh buôn lậu, gian lận thương mại, "Doanh nghiệp trong nước gần như 'cởi trần' chiến đấu, mức thuế suất thuế nhập khẩu chỉ là bảo hộ danh nghĩa, phải tính toán mức thuế suất bảo hộ danh nghĩa làm sao để đưa nền sản xuất được lợi nhất", ông khuyến nghị.
Cùng với đó, Việt Nam cũng cần phải tái cấu trúc cơ cấu kinh tế. Theo chuyên gia, nếu ngành công nghiệp chế biến chủ yếu là gia công, nguyên vật liệu đầu vào gần như phải nhập khẩu thì việc thoát lệ thuộc vào Trung Quốc hay bất cứ thị trường nào đều rất khó khăn.Đặc biệt, khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam sẽ không có lợi thế bằng Trung Quốc hoặc những nước xuất nguyên vật liệu đầu vào. Hiện tượng "rửa" C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) sẽ xuất hiện, chẳng hạn như hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam thông qua nhập khẩu từ doanh nghiệp FDI của Trung Quốc, sau một hời sơ chế hàng hóa này có xuất xứ ở Việt Nam và xuất khẩu sang nước thứ 3, lúc đó phía Việt Nam sẽ không được lợi gì.
"Nếu muốn thoát lệ thuộc vào nước ngoài thì phải tự thay đổi chính mình. Theo đó, Việt Nam cần xác định ngành mũi nhọn có tác dụng lan toả, kích thích sự phát triển của nền kinh tế, hạn chế được việc nhập khẩu và ít ảnh hưởng đến môi trường nhất", ông Trinh nhận định.
Theo Vnexpress