Việt Nam gặp khó trong phát triển điện hạt nhân

Thiếu nhân lực, vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng ở mức độ thấp… đang là những thách thức đối với việc phát triển điện hạt nhân (ĐHN) ở Việt Nam.
Phối cảnh nhà máy ĐHN Ninh Thuận.
Phối cảnh nhà máy ĐHN Ninh Thuận.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Công tác truyền thông khoa học và công nghệ (KHCN) 2015 - Nội dung và kế hoạch tuyên truyền phát triển ĐHN”, do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KHCN (Bộ KHCN) phối hợp với Cục Năng lượng nguyên tử tổ chức, vào chiều ngày 12/3, tại TP.Lạng Sơn. 

Khẳng định vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng

Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), tính đến năm 2014, trên thế giới có 436 lò phản ứng (LPƯ) đang hoạt động tại 31 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng công suất là 373.504 MW. Các nước có số LPƯ năng lượng đang hoạt động nhiều nhất là Mỹ (100 LPƯ), Pháp (58 LPƯ), Nhật (48 LPƯ), Nga (33 LPƯ), Hàn Quốc (23 LPƯ)…Năm 2014, có 2 LPƯ mới được đưa vào vận hành thương mại là Atucha-2 của Achentina, công suất 692 MW và Ningde-2 của Trung Quốc, công suất 1018 MW.

Đặc biệt, hiện có 71 LPƯ (tổng công suất đặt là 67.682 MW) đang được xây dựng tại 16 nước, trong đó có 2 nước bắt đầu xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên là Belarus và các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAEA). Còn LPƯ được lập kế hoạch xây dựng hiện nay là 99 LPƯ, trong đó Trung Quốc chiếm đa số (35 LPƯ), tiếp đến Nga (22 LPƯ), Mỹ (17 LPƯ), Nhật Bản (9 LPƯ…

Về lâu dài, tăng trưởng dân số và nhu cầu điện năng ở các nước đang phát triển cũng như những lo ngại về biến đổi khí hậu, an ninh cung cấp năng lượng và biến động giá các loại nhiên liệu khác, tiếp tục khẳng định tổng công suất phát ĐHN vẫn đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng.

Hiệp hội hạt nhân thế giới (WNA) cũng khẳng định: Hiện có 8 nước trong đó hoặc thực sự đang xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên (Belarus và UAE), hoặc đã ký hợp đồng (Lithuania và Thổ Nhĩ Kỳ), hoặc đã cam kết xây dựng (Bangladesh, Jordan, Ba Lan, Việt Nam).

Nhiều thách thức

Hiện nay, Việt Nam đang tích cực triển khai dự án nhà máy ĐHN Ninh Thuận. Việt Nam đã ký với Nga và Nhật Bản các hiệp định hợp tác, trong đó Nga là đối tác dự án Ninh Thuận 1 và Nhật Bản là đối tác dự án Ninh Thuận 2. Tuy nhiên, là một quốc gia bắt đầu chương trình ĐHN, Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn.

Đây là dự án lớn về quy mô và đầu tư, đặc biệt về bảo đảm an toàn, an ninh, thời gian chuẩn bị (10-15 năm) và xây dựng (5-6 năm), mang tính rủi ro cao. Trong khi đó, Viêt Nam chưa có kinh nghiệm trong quản lý, triển khai dự án ĐHN. Cơ sở hạ tầng cần thiết cho phát triển ĐHN của Việt Nam còn đang ở mức độ thấp. Hệ thống pháp luật quốc gia chưa hoàn chỉnh, thiếu nhân lực (cả về số lượng và chất lượng) trong mọi lĩnh vực liên quan đến xây dựng nhà máy ĐHN.

Theo ông Lê Doãn Phác, nguyên Phó Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử, điểm quan trọng nhất là thiếu vốn đầu tư, mà chủ yếu dựa vào vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp của các đối tác. Dự án ĐHN Ninh Thuận được triển khai thực hiện trong bối cảnh kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Trong mọi trường hợp đối với các quốc gia bắt đầu chương trình ĐHN, ngay cả tại các nước tương đối giàu có như Trung Đông, tài chính vẫn còn là cả một vấn đề, nếu không nói là một yếu tố quyết định.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) tính toán rằng, chi phí đầu tư xây dựng nhà máy ĐHN đang tăng cao, ước tính chi 5.339USD/kW (không phải chịu lãi suất vay và trượt giá). Khoản chi phí này lớn hơn nhiều so với xây dựng một nhà máy điện than, hoặc nhà máy điện khí. Yêu cầu pháp quy ngày càng tăng, các vấn đề về cấp phép, quản lý dự án, chi phí lao động và dự toán không đúng các chi phí và nhu cầu là những yếu tố góp phần làm tăng chi phí.

Theo Báo Công Thương