Việt Nam đã tự chế tạo được máy tính từ 30 năm trước!

VietTimes -- 30 năm trước các chuyên gia trẻ Việt Nam đã làm ra… chiếc "Máy tính Bác Tô" đầu tiên. Nhưng rồi cơn hỏa hoạn tai nghiệt ập đến, mà theo lời ông Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, đã cướp đi của chúng ta “cơ hội sánh ngang với các nước phát triển cao về KHKT trên thế giới”.

Việt Nam làm chip 12bit trong khi thế giới đang từ 8bit lên 16bit

Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính khi ấy là cậu tân Kỹ sư Điện tử - Viễn thông của Đại học Bách Khoa Hà Nội, vừa nhận tấm bằng loại giỏi đã được tham gia vào một đề án bảo mật cấp nhà nước về nghiên cứu, chế tạo và sản xuất máy tính riêng của Việt Nam – một đề án hứa hẹn sẽ ghi danh Việt Nam trên bản đồ Khoa học – Công nghệ thế giới.

Việt Nam đã tự chế tạo được máy tính từ 30 năm trước! ảnh 1 Anh Nguyễn Trung Chính (hiện là Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Công nghệ CMC) là một trong những người tham gia nhóm đề án chế tạo, sản xuất máy tính "Made in Vietnam" từ những năm 1987.

Ngay từ năm 1986, Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia (NACENTECH) đã có đề án sản xuất, chế tạo máy tính tại Việt Nam. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Viện NACENTECH và việc này được giao trực tiếp cho Phòng Tin học của Viện Vi điện tử (trực thuộc Viện NACENTECH), do Giáo sư Chu Hảo (sau này làm Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) làm Viện trưởng.

“Phòng thành lập năm 1986, một năm sau đó (1987) tôi về và gần như ngay lập tức cùng anh em tham gia đề án nghiên cứu chế tạo máy tính. Tôi được tiếp cận với nhiều tài liệu, gồm cả các tài liệu bí mật, các tài liệu “xách tay” từ nước ngoài về hệ dịch ứng dụng Bios (dù không đầy đủ). Tiếp cận những tài liệu mới rất vất vả. Anh em trong phòng phải dịch từ ngôn ngữ máy dịch ngược lại các ngôn ngữ lập trình (Assembly), để biết cấu trúc của Bios như thế nào”- anh Chính nhớ lại.

Vào thời điểm đó, hãng sản xuất nổi tiếng thế giới Intel mới ra thế hệ chip xử lý 8086 (vi xử lý 16bit đầu tiên của Intel), trước đó, các dòng 8085, 8080 đều là chip xử lý 8bit. Ở Tây Âu, thời điểm đó có dòng chip Z80 dựa trên tiến trình sản xuất chip của Zilog. Ở Mỹ, Apple cũng sản xuất dòng chip 6502. Nhật Bản thì mới tiếp cận nghiên cứu và hãng Hitachi ra mắt dòng Super-H (32bit) vào đầu những năm 90. Năng lực sản xuất chip của phương Tây mà Đức là quốc gia đi đầu, bắt đầu tụt lại so với Mỹ.

Giai đoạn ấy, Việt Nam quyết định nghiên cứu chip 12bit. So với thế giới, quyết định này của Việt Nam được đánh giá là khá mạnh dạn vì thế giới mới đang trong giai đoạn đầu chuyển đổi từ 8bit lên 16bit.

Thời đó, do ảnh hưởng của chính sách cấm vận, việc nghiên cứu, tiếp cận công nghệ mới rất khó khăn. Đến năm 1988, qua các đường khác nhau, Viện NACENTECH đã nhập được một dây chuyền sản xuất máy tính. Viện đã sử dụng hệ thống thiết kế dựa trên bo mạch của những chiếc điều khiển màn hình, ổ đĩa, keyboard (bàn phím),…

Những chiếc máy tính “Bác Tô” đầu tiên

Ngay từ những năm đầu đất nước mở cửa, Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia được giao nhiệm vụ sản xuất và bên cạnh Viện có một xí nghiệp sản xuất máy tính, bởi lãnh đạo yêu cầu các nghiên cứu khoa học phải thành hình, thành sản phẩm, thậm chí còn phải thương mại hóa và đưa ra thị trường.

Một năm sau khi anh em Viện Vi điện tử bắt tay nghiên cứu đề án, năm 1988, sản phẩm đã hoàn thiện về thiết kế và làm xong một sản phẩm mẫu đầu tiên gọi là “prototype”, sản xuất ở mức thử nghiệm (pilot) 100 chiếc. Những sản phầm này được gọi là “Máy tính Bác Tô” (lấy theo tên của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng),  được đưa ra phục vụ cho các cơ quan như Tổng cục Bưu điện (tiền thân của Bộ Thông tin & Truyền thông bây giờ). “Máy tính Bác Tô” sử dụng CPU 12bit của Hitachi, RAM Dynamic, có bảng mạch chính, ổ đĩa 1.44’’, bàn phím, hệ phát triển EPROM...

Tuy nhiên, công nghệ và chất lượng sản xuất trong nước thời điểm đó còn chưa phát triển tương xứng, nên Viện quyết định nghiên cứu tiếp và thuê Đài Loan sản xuất bo mạch chủ (mainboard).

Việt Nam đã tự chế tạo được máy tính từ 30 năm trước! ảnh 2

Thời gian cao điểm của đề án nghiên cứu và sản xuất máy tính, khoảng 10 thành viên của phòng đều chưa có gia đình, luôn sục sôi với nghiên cứu và thử nghiệm. Trưởng phòng Hà Thế Minh (sau này là Cố Chủ tich HĐQT Tập đoàn CMC), khi ấy mới 29 tuổi, là người lớn tuổi nhất, anh Chính mới chỉ 25 tuổi, còn lại toàn người trẻ. Anh em thay nhau trực đêm ở Viện, ánh đèn tại trụ sở đi thuê ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam không bao giờ tắt…

Hỏa hoạn đã thiêu trụi tất cả

Thời đó, Viện Nghiên cứu nằm trong chế độ bảo mật của Nhà nước nên mọi tài sản trí tuệ đều đặt ở Viện, nhân viên tuyệt đối không được mang tài liệu về nhà. Đất nước vừa bước qua thời bao cấp, các sản phẩm công nghệ, máy tính rất hiếm, chỉ ở Viện mới có máy tính nên mọi người phải đến Viện để làm. Tất cả đều là máy tính để bàn (Desktop), mãi về sau mới có máy tính xách tay (Laptop), máy tính 16bit (AT) cũng rất hiếm, phần lớn là máy 8bit (XT).

“Tôi còn nhớ rõ Chủ nhật năm ấy, đó là ngày thiết kế bo mạch chủ được các kỹ sư của Viện hoàn thiện, in ra bản film để hôm sau chuyển sang Đài Loan sản xuất hàng loạt. Đúng ngày hôm ấy, Viện bị cháy. Tất cả tài liệu, sản phẩm, mọi yếu tố phục vụ cho công tác nghiên cứu qua nhiều năm của Viện đều chìm trong ngọn lửa. Chúng tôi xót như dao cắt vào tim. Nếu không có vụ cháy đó thì năm 1989, Việt Nam đã có máy tính đầu tiên, ngang ngửa với thế giới. Chắc chắn giới tri thức Việt Nam sẽ sử dụng “máy tính Bác Tô” do Viện Nghiên cứu Công nghệ Quốc gia nghiên cứu và sản xuất”, anh Chính đau xót nhớ lại.

Vâng, không đau xót sao được! Hỏa hoạn không đơn thuần chỉ cướp đi một ngành công nghiệp chế tạo máy tính (nếu được ra đời thì chắc hẳn không kém các nước tiên tiến), mà nó còn “thiêu cháy” đam mê của một lớp trẻ tài năng trong lĩnh vực công nghệ thuở ấy.  

Vụ cháy gây thiệt hại khoảng 500 ngàn USD, là một khoản tiền lớn thời điểm đó, tương đương giá trị hiện nay vào 500 triệu USD. Khoảng 10 cán bộ tham gia đề án gần như “thất nghiệp” trong vòng 2 năm. Đến năm 1993, anh Nguyễn Trung Chính và anh Hà Thế Minh, với hai bàn tay trắng và một sức trẻ can đảm, báo cáo lãnh đạo, xin ý kiến Viện trưởng Chu Hảo mở công ty riêng với một khát vọng thoát nghèo.

Sau 25 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn Công nghệ CMC đã trở thành tập đoàn hàng đầu Việt Nam về công nghệ với đam mê chinh phục thế giới số. Từ 2 thành viên sáng lập, giờ đây, CMC đã trở thành một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, sở hữu 12 đơn vị thành viên, với 2.500 cán bộ, nhân viên. CMC trở thành một trong những đại diện sáng giá cho giới công nghệ Việt Nam vươn ra 25 quốc gia toàn cầu, khẳng định uy tín và năng lực của công nghệ Việt Nam với bạn bè thế giới.

Một giai đoạn rực rỡ, đáng tự hào

Trao đổi với VietTimes, GS. TS. Chu Hảo – Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia giai đoạn 1985 – 1989 cho biết:

Nhìn lại thời điểm 30 năm trước, có thể nói trình độ phát triển KHCN của Việt Nam đã rất rực rỡ, đáng tự hào. Thời đó, tôi thành lập phòng do anh Hà Thế Minh làm trưởng phòng, quy tụ toàn cán bộ trẻ, nhiệt huyết và đặc biệt, đều là những người rất giỏi, trong đó có anh Nguyễn Trung Chính.

Chúng tôi lập đề án thiết kế, sản xuất chiếc máy tính lấy tên là Bác Tô và nhận với Thủ tướng Phạm Văn Đồng là nếu thành công, chúng tôi sẽ chuyển giao cho Bộ Giáo dục để sử dụng trong toàn ngành. Đề án này nằm trong chế độ mật quốc gia, chúng tôi chỉ báo cáo trực tiếp Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Ban thường trực Chính phủ.

Tôi giao cho nhóm đề án lấy con chip 8 bit của Nhật, là chip hiện đại nhất lúc bấy giờ, để nghiên cứu và thiết kế chiếc máy tính của Việt Nam. Sau 2 năm triển khai, chiếc máy tính đầu tiên được nghiên cứu thành công, toàn bộ phần cứng, phần mềm cho máy hoạt động đều do cán bộ Viện viết, chỉ có CPU là phải mua ở Nhật Bản.

Sau vụ cháy, phải nói là rất tiếc khi chiếc máy tính nguyên mẫu bị phá hủy, còn những chiếc máy tính sản xuất thử nghiệm hiện không còn. Nhưng dù thế nào cũng không thể phủ định rằng trình độ sản xuất của Việt Nam thời điểm ấy là tương đương với các nước phát triển trên thế giới. Nhưng do vụ cháy mà chúng ta bị vuột mất cơ hội sánh ngang với các nước phát triển cao về KHKT trên thế giới.

Xem thêm: