Bệnh nhân đầu tiên được thực hiện phương pháp này là chị Dương Thị Miến, 52 tuổi, ở Ý Yên (Nam Định). Chị Miến bị đau, tê mỏi cổ vai gáy và tay đã lâu và gần một năm nay bị đau nhức liên tục. Chị đã nằm viện điều trị hơn 6 tháng nhưng bệnh vẫn không đỡ, cơn đau ngày càng tăng, tay phải đau nhức, khó cử động và không làm việc được.
PGS. TS. Nguyễn Văn Thạch, Chủ tịch Hội chấn thương chỉnh hình Việt Nam, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân Dương Thị Miến cho biết, trước đây, phẫu thuật TVĐĐ thường được tiến hành với vết mổ lớn, có thể sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân như: Chảy máu, nhiễm trùng vết mổ, rò rỉ dịch não tủy do rách màng cứng và điều thường khiến người bệnh lo lắng là tỉ lệ tái phát có thể từ 1-15%.
PGS. TS. Nguyễn Văn Thạch nhấn mạnh, phẫu thuật TVĐĐ cột sống cổ là một kỹ thuật vô cùng khó bởi cổ là một tổ chức lỏng lẻo bao gồm nhiều mạch máu lớn, các dây thần kinh, khí quản, thực quản…; khi phẫu thuật nội soi đường trước rất dễ chảy máu, khó cầm, máu tụ chèn ép khí quản gây suy hô hấp và tử vong. Chính vì vậy, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, phẫu thuật nội soi TVĐĐ cột sống lưng đã được triển khai thường quy nhiều năm, nhưng cột sống cổ thì mới được thực hiện rất ít ở các nước tiên tiến.
“Đĩa đệm có cấu tạo giữa là nhân nhầy, bao quanh là bao xơ dầy, chắc. Quá trình lão hóa, thoái hóa, chấn thương... khiến cột sống chèn ép, đẩy nhân nhầy ra khỏi vị trí bình thường. Mổ theo phương pháp nội soi là làm giảm áp trong đĩa đệm, sau đó đĩa đệm tự co nhỏ lại một phần và trở về đúng vị trí. Đây là một phẫu thuật tiên tiến và gần như không có vết mổ”, ông Thạch nói.
Ông Thạch cũng cho biết thêm, phẫu thuật nội soi TVĐĐ cột sống cổ đường sau được thực hiện chỉ với đường rạch 1 cm từ gáy để đưa ống trocar vào. Dưới màn hình tăng sáng, các bác sĩ không chỉ dễ dàng đi vào diện khớp của đốt sống cổ để lấy phần đĩa đệm thoát vị, vẫn bảo tồn được đĩa đệm mà không làm ảnh hưởng tới cơ, mạch máu, các dây thần kinh ở phía trước và đặc biệt không phá hủy xương nên người bệnh tránh được các biến chứng của ghép xương và các tác dụng phụ không mong muốn.
Ngoài ra, phương pháp này có tỉ lệ tái phát thấp, được thực hiện giảm đau tại chỗ nên bệnh nhân được phép về nhà trong ngày phẫu thuật, tỉ lệ thành công đạt hơn 90%, người bệnh thấy giảm đau tức thì sau phẫu thuật, có thể đi lại được trong ngày và trở lại làm việc trong vòng từ một đến 6 tuần sau phẫu thuật.
Cùng với TVĐĐ cột sống lưng, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là căn bệnh của thời hiện đại, đang gia tăng nhanh chóng. Hiện tại, riêng Khoa Phẫu thuật cột sống của Bệnh viện Việt Đức có tới hơn 100 bệnh nhân xếp hàng chờ phẫu thuật. TVĐĐ phần nhiều là do tư thế lao động, tư thế ngồi, mang vác nặng sai cách... Bệnh gây nên các cơn đau với các triệu chứng nhức, tê lan dọc từ thắt lưng xuống mông và chân, hay đau từ vùng cổ, gáy lan ra 2 vai và xuống các cánh tay, bàn tay… khiến người bệnh rất khó chịu, đau đớn, lâu dài nếu không chữa trị có thể dẫn tới liệt.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu