Việt Nam còn bao nhiêu tổ chức tín dụng?

VietTimes -- Nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần biến động mạnh nhất, giảm từ con số 37 tổ chức vào năm 2011 về còn 34 tổ chức vào năm 2012, , xuống 33 tổ chức trong năm 2013 và 2014; đến cuối 2015, giảm mạnh về mức 28 tổ chức.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính 2015 vừa được Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia công bố cho thấy, đến cuối năm 2015, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đang có tổng cộng 118 tổ chức tín dụng thành viên, chia làm 4 nhóm: Ngân hàng thương mại Nhà nước, Ngân hàng Thương mại cổ phần, Ngân hàng liên doanh và Ngân hàng nước ngoài; Công ty tài chính; Ngân hàng hợp tác xã (quỹ tín dụng nhân dân).

Chiếm số lượng lớn nhất trong số đó là nhóm Ngân hàng liên doanh và Ngân hàng nước ngoài với 55 tổ chức; kế đến nhóm các Công ty tài chính với 27 tổ chức; nhóm các NHTM Cổ phần có 28 tổ chức; nhóm các Ngân hàng thương mại Nhà nước là 7 tổ chức; và có duy nhất 1 Ngân hàng Hợp tác xã.

Trong số này, nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần biến động mạnh nhất, giảm từ con số 37 tổ chức vào năm 2011 về còn 34 tổ chức vào năm 2012, , xuống 33 tổ chức trong năm 2013 và 2014; đến cuối 2015, giảm mạnh về mức 28 tổ chức.

Trong khi, nhóm NHTM Nhà nước là nhóm duy nhất tăng lên về số lượng, từ mức 5 tổ chức trong các năm trước đó lên thành 7 trong năm  2015.

Nguyên nhân của hiện tượng trên, xuất phát từ hoạt động mua bán, sáp nhập sôi động giữa các tổ chức tín dụng, diễn ra trong năm 2015 - năm cuối thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống TCTD theo Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, NHTM CP Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long sáp nhập vào NHTM CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Ngân hàng NHTM CP Xăng dầu sáp nhập vào NHTM CP Công thương Việt Nam và 3 NHTM CP yếu kém (VNCB, Ocean Bank, GP Bank) được NHNN mua lại với giá 0 đồng để trở thành Ngân hàng TNHH Nhà nước Một thành viên. Nhóm NHTM CP, thì NHTM CP Mekong sáp nhập vào NHTM CP Hàng hải, NHTM CP Phương Nam sáp nhập vào NHTM CP Sài Gòn thương tín.

Trích Báo cáo vừa được công bố của UBGSTCQG.

Cũng theo Báo cáo, đến cuối năm 2015, tổng tài sản hệ thống TCTD đạt 7 triệu 109 nghìn tỷ đồng, tăng 12,4% so với đầu năm.

Cơ cấu tài sản chuyển dịch theo hướng tích cực: (i) Tỷ trọng tài sản liên ngân hàng giảm còn 15% (năm 2014 là 16,1%); (ii) Tỷ trọng tín dụng tăng lên 62% (năm 2014 là 58,3%); (iii) Tỷ trọng chứng khoán đầu tư và chứng khoán kinh doanh (Không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) là 11%, năm 2014 là 13%; (iv) Tỷ trọng các tài sản có khác giữ nguyên mức 12% (năm 2013 là 15%, năm 2014 là 12%).

Tính đến ngày 31/12/2015, nợ quá hạn của hệ thống TCTD là 179 nghìn 501 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn là 4,4% (năm 2014 là 5,3%). Nợ xấu là 119 nghìn 660 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 2,92%. Tuy nhiên, nợ xấu phân bố không đồng đều giữa các TCTD, tập trung chủ yếu ở một số TCTD yếu kém, đang trong quá trình tái cơ cấu.

N.G