Việt Nam có đủ nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang y tế và quần áo chống dịch?

VietTimes -- Trước nhiều ý kiến lo lắng về khẩu trang y tế và quần áo chống dịch khi xác định dịch còn kéo dài, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 khẳng định Việt Nam đã chủ động nguồn nguyên liệu để sản xuất các mặt hàng này với số lượng đáp ứng được nhu cầu trong nước.
an Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 khẳng định Việt Nam đã chủ động nguồn nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế. Ảnh: Anh Lê.
an Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 khẳng định Việt Nam đã chủ động nguồn nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế. Ảnh: Anh Lê.

Vấn đề về nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất khẩu trang y tế và quần áo chống dịch phục vụ cho các bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu chống COVID-19 đã được bàn thảo tại cuộc làm việc của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19), vừa diễn ra sáng nay (13/4).

Cùng với khẩu trang y tế và quần áo chống dịch, Ban Chỉ đạo cho biết, chúng ta đã sản xuất thành công khẩu trang vải chống thấm (khẩu trang 870), được nhiều nước đánh giá cao. Do vậy, các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế, trang thiết bị bảo hộ phải nêu cao trách nhiệm xã hội, chỉ xuất khẩu sau khi đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

Đồng thời, chúng ta chỉ khuyến khích xuất khẩu đối với những doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu nhập từ nước ngoài. Song song với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để chủ động hơn nữa nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất khẩu trang, trang phục bảo hộ.

Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế và Bộ Công an phối hợp rà soát và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế, trang thiết bị bảo hộ.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ phòng, chống dịch

Tại điểm cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Bộ cùng đại diện các doanh nghiệp VNPT, Viettel cũng đề xuất các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch bệnh như: Triển khai hoạt động giám sát phục vụ yêu cầu giãn cách xã hội theo từng tình huống cụ thể; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh qua việc sử dụng tiền mặt trong mua, bán hàng hóa.

Các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp tiếp tục thực hiện các giải pháp để “chặn đến cùng” tất cả các ca xâm nhập; chưa nới lỏng chính sách nhập cảnh; giám sát chặt nhóm người mắc các bệnh giống cúm qua những người mua thuốc; triển khai xét nghiệm điểm một số nhóm đối tượng như lao động phổ thông, cộng đồng người nước ngoài sinh sống tập trung.

Cùng với đó, nhiều ý kiến đề xuất kiểm soát chặt chẽ các địa điểm tập trung đông người tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; các di tích, danh thắng; khu du lịch, vui chơi, giải trí; chợ đầu mối, chợ dân sinh; làng nghề, bếp ăn tập thể,….

Bên cạnh các giải pháp về phòng chống dịch bệnh, cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp về xã hội, quan tâm tới nhóm người yếu thế gặp khó khăn vì dịch bệnh, đồng thời xem xét tiến hành nới lỏng trên cơ sở có biện pháp kiểm soát phù hợp đối với một số ngành hàng sản xuất, kinh doanh dịch vụ thiết yếu.