Đại diện Viện CDIT nhận định, những năm gần đây, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, tình hình tội phạm mạng đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Trong năm ngoái, Chính phủ Mỹ đã chính thức tuyên bố chiến tranh mạng chống lại nhà nước tự xưng IS, hàng loạt hạ tầng kinh tế kỹ thuật của xã hội như hệ thống cung cấp điện của Ucraine bị tấn công (1/2016), hệ thống mạng của hãng hàng không Delta Airline bị đánh sập (8/2016). Còn tại Việt Nam, điển hình nhất là sự cố hệ thống thông tin của cảng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị hacker tấn công hồi cuối tháng 7/2016…
“Tình hình trên đã phần nào cho thấy tầm quan trọng, sự cần thiết của an toàn thông tin (ATTT) trong xã hội hiện nay, đồng thời khẳng định vai trò rất lớn của các kỹ sư quản lý an ninh mạng. Thực hiện đề án “Đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” của Bộ KH&ĐT, Viện CDIT đã phối hợp với Bộ này lên kế hoạch triển khai các khóa đào tạo nhằm trang bị, chia sẻ thông tin và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên về lĩnh vực ATTT, lĩnh vực đang rất cần thiết trong các cơ quan, doanh nghiệp”, đại diện Viện CDIT chia sẻ.
Theo Viện CDIT, đơn vị này dự kiến trong năm 2017 sẽ tổ chức 4 khóa đào tạo hướng nghiệp cho sinh viên với chủ đề “ATTT - Thách thức và cơ hội nghề nghiệp”. Tuy nhiên, đại diện Viện CDIT cũng cho hay: “Chúng tôi có thể sẽ mở nhiều khóa hơn, nếu nhận thấy người học có nhu cầu lớn về nội dung này”.
Với các khóa đào tạo hướng nghiệp về ATTT, đối tượng CDIT hướng tới là các tổ chức, cá nhân quan tâm đến lĩnh vực ATTT, đặc biệt là sinh viên CNTT, Điện tử Viễn thông yêu thích lĩnh vực quản trị mạng; và các kỹ thuật viên, quản trị viên về mạng và bảo mật mạng - những người chịu trách nhiệm vận hành và xử lý sự cố hệ thống mạng.
Tham gia khóa đào tạo, các học viên được cung cấp những thông tin mang tính chất định hướng nghề nghiệp cho bản thân trong tương lai: hiểu được bức tranh tổng thể về các lĩnh vực nghề nghiệp liên quan đến ATTT; biết được các yêu cầu kiến thức cơ bản về lĩnh vực quản lý ATTT; nắm được những yêu cầu về quản trị vận hành các hệ thống ATTT.
Đồng thời, các học viên cũng được trang bị một số kỹ năng, công cụ đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, từ đó hiểu và ứng dụng một số tính năng cơ bản của công cụ đảm bảo an ninh, an toàn thông tin. “Điểm nổi bật của khóa học hướng nghiệp về ATTT là ngoài việc được các chuyên gia, những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực ATTT thuộc các cơ quan, doanh nghiệp như Cục ATTT, VNCERT (Bộ TT&TT); Tập đoàn VNPT, Công ty RSA Security…, các học viên còn được tham gia trải nghiệm 1 cuộc tấn công và phòng thủ an ninh mạng. Đồng thời, học viên cũng có cơ hội tiếp xúc với các nhà tuyển dụng và được thực tập, làm việc tại các công ty liên quan đến ATTT”.
Đặc biệt, theo chương trình, trong thời gian 6 buổi của khóa đào tạo “ATTT - Thách thức và cơ hội nghề nghiệp” được tổ chức tại phòng Lab ICT - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (km 10, Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội), phần thực hành được Viện CDIT đặc biệt chú trọng khi dành tới 4/6 buổi để các học viên thực hành diễn tập về: Tấn công chiềm quyền điều khiển (do thám thu thập thông tin, tạo và phát tán file pdf chứa mã độc, tấn công chiếm quyền máy của quản trị, tấn công leo thang đặc quyền từ user tới admin và tạo backdoor để duy trì kết nối); Tấn công trong mạng LAN (sử dụng máy của quản trị rà quét các thiết bị trong mạng LAN để tìm server, tấn công chiếm quyền webserver, Deface web, lấy ảnh bí mật); Phản ứng, đối phó (gỡ bỏ trang phishing, rà quét webshell trên hệ thống); Khắc phục, phòng ngừa (xác định nguyên nhân và cách thức chèn webshell; khắc phục, cập nhập và vá lỗ hổng).
Mới đây, vào ngày 16/5/2017, cũng với mục đích giúp sinh viên nâng cao năng lực về an toàn thông tin, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã cùng VNPT tổ chức cuộc diễn tập chủ đề “Tấn công chiếm quyền điều khiển website”. Tham gia cuộc diễn tập, thông qua việc thực hiện các bài thực hành mô phỏng các bước của quá trình tấn công có chủ đích vào một hệ thống thông tin, sinh viên có thể hiểu rõ hơn cách thức hành động, suy nghĩ và một số kỹ thuật mà hacker sử dụng khi thực hiện tấn công, thâm nhập. Trên cơ sở đó, các em có thể nâng cao và hoàn thiện khả năng phòng thủ, có các biện pháp để phòng chống, có các phương án vá lỗ hổng cho các dịch vụ do đơn vị cung cấp trên mạng Internet.
Trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin, theo “Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020” được phê duyệt ngày 14/1/2014 tại Quyết định 99, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông được Thủ tướng Chính phủ chọn là 1 trong 8 trường đại học, Học viện lớn trong cả nước được tập trung đầu tư đào tạo nhân lực ATTT, bên cạnh 7 trường khác gồm Học viện Kỹ thuật Mật mã, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện An ninh Nhân dân, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH CNTT - ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng. Triển khai các nội dung được giao tại Đề án này, thời gian qua, bên cạnh việc đào tạo nhân lực an toàn thông tin (cả dài hạn và ngắn hạn); Học viện đã tổ chức nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu phát triển các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin; đồng thời, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đã thành lập Lab nghiên cứu chuyên sâu về an toàn thông tin từ tháng 9/2016.
Theo thông báo của Viện CDIT, các học viên tham gia khóa đào tạo hướng nghiệp về an toàn thông tin do Viện CDIT tổ chức, bên cạnh việc được hỗ trợ 50% học phí (tương ứng với 1,5 triệu đồng/người) từ dự án hỗ trợ khởi nghiệp của Chính phủ, còn có cơ hội nhận được nhiều ưu đãi khác như: giảm thêm 100.000 đồng/học viên với nhóm 3 người; giảm thêm 200.000 đồng/học viên với nhóm 5 người; giảm thêm 100.000 đồng/học viên khi Checkin, like, share và tag 3 người bạn của mình ở chế độ public vào khóa học trên Facebook; nhận Voucher giảm giá 10% khi đăng ký khóa học tiếp theo tại Trung tâm đào tạo của CDIT.