Đầu tàu kinh tế đối diện nhiều thách thức
Ông Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM - cho biết: “Nhiều nghiên cứu đã thể hiện vai trò hạt nhân trọng điểm kinh tế vùng của TP.HCM, triển vọng ứng dụng trí tuệ nhân tạo, mô phỏng phát triển kinh tế tài chính bằng ứng dụng CNTT, gợi ý kinh tế tuần hoàn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững”.
“Các nội dung lớn khác được các chuyên gia quan tâm là định hướng quản lý rủi ro, biến đổi khí hậu, vấn đề ngập lụt, nước biển dâng của TP.HCM; mục tiêu, giải pháp xây dựng văn hoá TP.HCM, du lịch bền vững cho giai đoạn 2021-2030; xây dựng y tế - bệnh viện thông minh, giáo dục thông minh để TP.HCM có thể hướng tới thực sự trở thành đô thị thông minh” – Ông Trần Hoàng Ngân nói.
TS Trần Du Lịch – Thành viên tổ tư vấn kinh tế Chính phủ phát biểu: “Chúng tôi hình dung TP.HCM sẽ là một trung tâm toàn cầu, gắn liền với đời sống kinh tế thế giới, là cửa ngõ của Việt Nam để đi ra bên ngoài”.
Ông Lê Quang Hùng – Thứ trưởng Bộ Xây Dựng cho rằng: “Trong thời gian qua, TP.HCM đã thể hiện vai trò đầu tàu, tuy diện tích và dân số không cao nhưng lại đóng góp 20-25% GPD, 27-28% tổng thu ngân sách cả nước, là địa phương có đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước, mức độ phát triển nhiều ngành nghề vượt trội so với các tỉnh thành khác của cả nước, giáo dục, y tế đều là trung tâm có chất lượng tốt nhất cả nước”.
Ông Lê Quang Hùng – Thứ trưởng Bộ Xây Dựng |
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích, TP.HCM đang đối mặt rất nhiều thách thức trên con đường phát triển. “Để giữ vững vai trò, vị trí của mình, TP.HCM đang đứng trước thách thức rất lớn. Vai trò hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm của TP.HCM cần phải nâng lên, ngang tầm với các đô thị khác trong khu vực, chứ không chỉ so sánh với các thành phố trong nước. TP.HCM vẫn đóng góp một tỷ lệ tốt với ngân sách nhà nước, nhưng một số ngành có tỷ trọng giảm rõ rệt; đặc biệt là năm 2019 và 2020 vừa rồi, mức độ tăng trưởng bị ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, tuy nhiên, chính hai năm qua là thời gian khẳng định sức chống chịu của các đô thị trước đại dịch” - TS Trần Du Lịch nói.
Ông Lê Quang Hùng phân tích: “TP.HCM đang phải đối mặt với những thách thức lớn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố so với bình quân cả nước đang giảm. Nếu giai đoạn 2001-2010 con số này bằng 1,6 lần cả nước, thì đến giai đoạn 2011-2019 chỉ bằng 1,2 lần”.
“Hiện nay, chênh lệch giữa phát triển dân số TP.HCM và hạ tầng là rất lớn, tạo sức ép không nhỏ. Tác động của biến đổi khí hậu lên TP.HCM càng ngày càng lớn” - Ông Lê Quang Hùng nhấn mạnh – “Cần xem xét đến các vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng, quy hoạch không gian ngầm đô thị cho TP.HCM”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trường Lưu – Chủ tịch Hội Kiến trúc TP.HCM cho biết: “Theo nhiều nghiên cứu, rất có thể tới năm 2030, thì 1/4 TP.HCM sẽ ngập xuống dưới nước. Mà đáng buồn là phần lớn sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng lại là do những hành vi của con người”.
TS Trần Du Lịch – Thành viên tổ tư vấn kinh tế Chính phủ |
Nói về thực trạng giao thông kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm, bà Nguyễn Thị Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - có ý kiến: “Để phát triển giao thông kết nối TP.HCM với Đồng Nai và các tỉnh lân cận là một thách thức lớn khi phát triển dân số của TP.HCM có độ chênh rất lớn với hạ tầng. Như các ngày lễ lớn vừa rồi, ngày nào giao thông trên các quốc lộ như cao tốc Long Thành – Dầu Giây, xa lộ Hà Nội… cửa ngõ vào TP.HCM đều kẹt cứng người và xe. Thực trạng này gây ảnh hưởng lớn tới giao thương và sự phát triển kinh tế của TP.HCM cũng như các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.
Giải pháp nào cho TP.HCM?
Giải pháp nào để đạt được các mục tiêu đặt ra đối với TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045?
“Bản thân vị trí địa lý của TP.HCM từ khi hình thành, 300 năm nay đã có một vị thế đặc biệt, tạo đà rất tốt cho phát triển. Trong lịch sử phát triển, lãnh đạo và nhân dân TP.HCM luôn năng động, sáng tạo, mạnh dạn, có tư duy đổi mới. Tôi cho rằng đây là yếu tố cốt lõi, tạo động lực để TP.HCM phát triển” – Ông Lê Quang Hùng nhấn mạnh.
“Bộ Xây dựng có một số góp ý, chủ yếu liên quan đến quy hoạch đô thị, phát triển nhà ở, chỉnh trang đô thị. Cụ thể, quy hoạch chung của TP.HCM được phê duyệt từ 2010, trong khi đó, dân số đã phát triển vượt mức cho năm 2025. Đã đến lúc cần nghiên cứu để điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM. Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp với UBND TP.HCM và Sở Quy hoạch Kiến trúc để cân đối phạm vi, mục tiêu cho nhiệm vụ quy hoạch, chuẩn bị trình ra lấy ý kiến Bộ ngành” – Ông Lê Quang Hùng cho hay.
Hạ tầng đô thị, trong đó có hạ tầng giao thông, cấp thoát nước và thu gom rác thải của TP.HCM, ông Lê Quang Hùng cho rằng đều đã được chỉ rõ nhưng vấn đề là tổ chức thực hiện để đạt được tiến độ như mong muốn.
Ông Lê Xuân Định – Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ |
Ông Lê Xuân Định – Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ khẳng định: “Năng lực sáng tạo của TP.HCM cũng thể hiện năng lực sáng tạo quốc gia, sự phát triển của TP.HCM cũng thể hiện sự phát triển của quốc gia”.
“Tốc độ tăng trưởng của TP.HCM cách đây 15 năm thì bứt phá hơn hẳn cả nước, sau đó thì chậm lại, ở mức ngang bằng, và đến giai đoạn sau này, đặc biệt là hai năm đối mặt với dịch bệnh COVID-19 vừa rồi thì TP.HCM đã chậm hơn nhiều địa phương cả nước” – Ông Lê Xuân Định nói.
“Nếu TP.HCM muốn bước sang một giai đoạn mới, thì chắc chắn phải đầu tư một nền tảng KHCN. Chúng tôi cho rằng chỉ có thể phát triển được nếu ứng dụng KHCN, đưa nội hàm này vào chiến lược phát triển của mọi doanh nghiệp, cả các Viện nghiên cứu, trường Đại học, và các đơn vị khác” – Ông Lê Xuân Định lưu ý.
“Để TP.HCM tiếp tục giữ vai trò đầu tàu của cả nước, TP.HCM phải giữ được mức độ tăng trưởng, là cửa ngõ ra thế giới, ba nhân tố nâng cao năng lực cạnh tranh của TP.HCM đang bị níu kéo cần được khắc phục. Thực tế là có tới 50% doanh nghiệp đang hoạt động nằm ở TP.HCM, trong thời gian tới TP.HCM phải làm được không chỉ là nơi lập nghiệp của doanh nghiệp trong nước mà còn là nơi khởi nghiệp của các doanh nghiệp trong khu vực” - TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
“Phải nói rằng, TP.HCM là địa phương tiên phong đi đầu tạo nên hệ sinh thái start-up, với nhiều sự kiện, hoạt động, vườn ươm, SIHUB… hoạt động mạnh mẽ. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu môi trường trải nghiệm tiếp cận thị trường nên start-up dù đã được ươm tạo nhưng vẫn khó sống. Nếu như khu vực chính sách công có thể hỗ trợ được điều này thì sẽ tạo được môi trường thực tế để start-up tiếp cận thị trường lớn TP.HCM” – Ông Lê Xuân Định đưa ý kiến.
Nói về phát triển hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế vùng, ông Mai Bá Trước - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Dương phát biểu: “Sự phát triển của TP.HCM đã luôn tạo động lực cho nhiều tỉnh thành trong phát triển kinh tế vùng. Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, trong số các trục hành lang giao thông tỉnh Bình Dương thuộc trục phía Bắc TP.HCM, còn hạn chế, các tuyến đường như quốc lộ 13, đường vành đai 3… đều chưa được đầu tư đồng bộ, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế vùng. Kiến nghị TP.HCM sớm đầu tư mở rộng quốc lộ 13 và đường vành đai 3, đường vành đai 4”.
Ông Nguyễn Trường Lưu lưu ý cần nâng tỷ lệ cây xanh của TP.HCM lên, tuy nhiên, vấn đề là sẽ không có quỹ đất để thực hiện các công viên cây xanh, cho nên ông Lưu nhắc nhở là 3.600 km đường phố có thể là nơi trồng được 180.000 cây xanh cải thiện “lá phổi” cho đô thị TP.HCM.
Toàn cảnh hội thảo về TP.HCM - Ảnh Huyền Mai |
TS Vũ Thành Tự Anh - Đại học Fulbright cho rằng: “TP.HCM phải hướng tới là siêu đô thị. Để hướng tới mục tiêu này, cần chọn một số ưu tiên chiến lược mới có thể đủ thời gian, nguồn lực và con người để thực hiện. Ví dụ, chọn công nghiệp hay chọn dịch vụ để làm định vị cho thành phố để không đánh mất cơ hội phát triển? Động lực của TP.HCM để phát triển cho 10-20 năm tới sẽ không giống 20 năm qua. Trong 10 năm tới, theo tôi, động lực của TP.HCM phải là năng suất. Cần tập trung phát triển năng lực doanh nghiệp tư nhân nội địa, là thế mạnh nổi bật của TP.HCM so với Hà Nội hay Đà Nẵng”.
“Phải có tầm nhìn xa hơn, bỏ đi những khung tư duy cũ, giải quyết những vấn đề của hiện tại nhưng phải hình thành nền tảng cho tương lai. Ngay cả khái niệm cơ sở hạ tầng cũng phải thay đổi. Chẳng hạn như cơ sở hạ tầng cho tương lai sẽ phải là nền tảng, cơ sở dữ liệu chứ không chỉ là những cơ sở hạ tầng cũ. Cần hình thành trung tâm tài chính quốc gia, đặt tại TP.HCM. Cần chuyển đổi năng lực cho TP.HCM để thực sự là thành phố năng động, đổi mới, sáng tạo chứ không chỉ thu hút đầu tư. Hội nhập là quan trọng nhưng nội lực mới là yếu tố then chốt để phát triển. Nếu không nắm được yếu tố này thì chỉ biếu miếng bánh cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài” - TS Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.