Việc phát tán mã độc WannaCry chỉ là phần nổi của tảng băng chìm

VietTimes -- Đại diện Bkav đánh giá, với 4 triệu máy tính có lỗ hổng tại Việt Nam, việc bị cài đặt phần mềm gián điệp để tấn công có chủ đích sẽ nguy hiểm hơn nhiều, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ đối với an ninh quốc gia. Nguy cơ này không thể nhận biết rõ như mã độc mã hóa tống tiền.
Tính đến chiều 16/5, tại Việt Nam đã có hơn 1.900 máy tính bị lây nhiễm mã độc tống tiền WannaCry. Ảnh minh hoạ: BBC.
Tính đến chiều 16/5, tại Việt Nam đã có hơn 1.900 máy tính bị lây nhiễm mã độc tống tiền WannaCry. Ảnh minh hoạ: BBC.

 Thống kê từ Hệ thống giám sát virus của Bkav cho thấy, tính đến chiều 16/5, tại Việt Nam đã có hơn 1.900 máy tính bị lây nhiễm mã độc tống tiền WannaCry. Trong đó, khoảng 1.600 máy tính được ghi nhận tại 243 cơ quan, doanh nghiệp và khoảng 300 máy tính là của người sử dụng cá nhân.

Các chuyên gia Bkav khẳng định, như vậy tại thời điểm này mã độc không bùng nổ ở Việt Nam. Tuy nhiên theo Bkav, với 52% máy tính tại Việt Nam, tức là khoảng 4 triệu máy chưa được vá lỗ hổng EternalBlue, các máy này có thể bị nhiễm WannaCry bất cứ lúc nào nếu hacker mở rộng việc tấn công.  

Cũng theo Bkav, việc phát tán mã độc mã hóa tống tiền WannaCry chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”. Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc (Anti Malware) của Bkav phân tích: “Chúng ta không nên quên Cơ quan an ninh Mỹ NSA được cho là đã sử dụng lỗ hổng này để do thám. Do đó, không loại trừ khả năng cơ quan gián điệp của một quốc gia khác cũng âm thầm khai thác lỗ hổng này, cài đặt phần mềm gián điệp nằm vùng để thực hiện các cuộc tấn công có chủ đích APT”. 

Tập đoàn công nghệ Bkav cũng cho biết đã nâng cấp công cụ miễn phí quét lỗ hổng EternalBlue so với phiên bản đầu tiên để người sử dụng có thể quét và vá lỗ hổng tự động chỉ với thao tác đơn giản. Có thể tải công cụ từ địa chỉ Bkav.com.vn/Tool/CheckWanCry.exe, không cần cài đặt mà có thể khởi chạy luôn để quét.